Nhật Bản, những bước chân đầu tiên

Nhật bản không phải là cường quốc xã hội , đất hẹp , người đông , của khó những trải nghiệm của một du học sinh thập niên  60- 70 thế kỷ trước đánh dấu thời kỳ nước Nhật trên con đường phát triển để trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường. Du học Nhật là để trải nghiệm và học tập sự  kiên nhẫn, chịu đựng và hòa hợp. Tinh thần thích nghi và hòa hợp của người  Nhật là điểm son tuyệt vời trong tính cách người Nhật , nó giúp con người mạnh mẽ và tự tin trước những thử thách.

Nhật Bản, những bước chân đầu tiên

Hình ảnh nội tuyến 1
Tranh vẽ một ohuro – phòng tắm công cộng ở Nhật thời xưa 

Trước ngày khăn gói  lên đường du học xứ hoa anh đào, tôi đã chuẩn bị cho mình một cuộc sống tự lập nơi xứ người. Nói là tự lập chứ vẫn còn “cơm cha , áo mẹ, công thầy ” vẫn là  “nhất ẩm, nhất trác giai do tiền ( money ) định”.

Anh trai tôi, người du học trước tôi 4 năm đã cảnh báo : “đi du học ở Nhật Bản là đi đày, sau đó là đi cày, ở Nhật không được sung sướng như ở nhà đâu em gái ạ ” Anh tôi cũng biết ở nhà cha mẹ tôi, đặc biệt cha tôi rất thương chiều con gái. Ông thương con gái  như ông thường nói : ” thân gái mười hai  bến nước, trong nhờ đục chịu con gái lấy chồng biết có được sung sướng như những ngày ở với cha  mẹ không ?” Tôi được đi du học nhờ tư tưởng phóng khoáng, không ” trọng nam khinh nữ ” của cha tôi.
Cha tôi theo nghiệp buôn bán, lăn lộn trong thương trường  nhưng ông  thường quan niệm: chỉ có học vấn mới giúp con người lập nghiệp, tiến thân một cách đàng hoàng và rạng rỡ nhất. Được tiếp tục sự học  ở một nước tiên tiến còn giữ truyền thống tốt đẹp của phương Đông như Nhật Bản là sự lựa chọn ưu việt, sự quan tâm ưu ái , sự hy sinh vô bờ bến ông đã  dành cho anh em tôi, cánh chịm đầu đàn của bẩy, tám đứa em còn nhỏ dại, ngày tôi ra đi em trai út tôi mới lên sáu.
Anh trai tôi cùng với  ông bà  người bảo đảm ra đón tôi từ phi trường  Haneda về nhà ga Gotano  vùng  ngoại ô của Tokyo, nơi tôi sẽ sống những ngày đầu tiên với gia đình họ. Ông chủ nhà  là người Nhật, bà vợ là người Việt Nam cùng sống với cậu con trai bảy  tuổi. Buổi tối đầu tiên đặt valise bước vào nhà, sau khi đã tháo hết giày để ngoài genkan theo    phong tục Nhật, tôi khám phá căn nhà Nhật sao mà nhỏ bé, chật hẹp, đơn sơ đến không ngờ.Khi mọi lễ nghi trà nước,thăm hỏi tặng quà đã xong, anh tôi ra về và hẹn sáng mai trở lại.Tôi hỏi nhỏ bà chủ nhà : Thưa bác phòng cháu ở đâu ạ ? Bà chỉ cái phòng khoảng độ 9 mét vuông, để cái TV 16 inche, cái bàn thấp nhỏ, cái tủ và cái máy may. Bà nói : – Cháu ở đây, buồi tối dẹp cái bàn, cháu trải cái futon (nệm ) và ngủ ở đó.
Tôi giật mình, phòng này cách phòng ông bà chỉ bằng một cánh cửa lùa bằng gỗ, dán giấy, và
nó bé đến nổi hai cái va li của tôi đề ở góc phòng, căn phòng trông giống như một kho chứa đồ đạc. Bà chì phòng ngủ hai ông bà  lót chiếu, cũng là phòng ăn, phòng khách  luôn, nói kiểu bây giờ   là 3 trong 1. Bên cạnh phòng ông bà có một  phòng be bé cũng không có cửa đóng then cài, đây  là phòng cậu con trai ờ.
  
Hình ảnh nội tuyến 2
Ohuro ở các nhà quý tộc xưa, 
 
Tôi hỏi : Thưa bác, bác  chỉ cho cháu phòng tắm để cháu thay quần áo ạ. Bà trả lời : – Nhà bác không có phòng tắm , cả nhà đi tắm công cộng.Tôi nghe mà tưởng như ” sét đánh ngang tai.” Thất vọng, hoang mang không biết tắm công cộng ở Nhật là như thế nào.Tôi hỏi tiếp : – Thưa bác, cháu muốn thay quần áo ở đâu ạ? Bà chỉ cái phòng kế bên genkan chỗ ra vào. Tôi bước vào và ngạc nhiên đây là nhà vệ sinh kiểu cổ, không có bàn cầu giật nước.Ở Việt Nam tên gọi tượng hình là  cái “hố xí bệt”. Có nghĩa là các chất thải được tích trử ở một   cái thùng chôn sâu dưới nền nhà, và cứ hai  tuần một lần, người ở sở vệ sinh sẽ mang xe đến  lấy từ tất cả nhà ở khu phố. Rửa mặt thì ở ngay trong bếp, cái bếp nhỏ xíu chỉ vừa chỗ cho một người đứng nấu.
Nước Nhật vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, một gia đình có thu nhập trung bình, người đàn ông đi làm ở hãng (salary man) được cấp nhà, chỗ ăn ở  như thế  này, nhiều người nói là khá lắm rồi. Đất hẹp, người đông, đến nay nước Nhật chưa bao giờ là một cường quốc về an sinh xã hội,vấn đề  nhà ở chẵng hạn. Đến nước Nhật , học ở người Nhật  bài học đầu tiên  là tính thích nghi và hòa hợp chữ “Hòa”. Là tên gọi tắt ,” nickname “của nước  Nhật,” Hòa thực” là thức ăn Nhật, ” Hòa phục”  là quần áo Nhật. Ngôn ngữ Nhật có kính ngữ vá khiêm ngữ. Thí dụ như chữ Ô, hay Gô là tiếp đầu ngữ chỉ sự trang trọng .” Han ” có nghĩa là cơm, âm Hán đọc là phạn, thêm tiếp đầu ngữ Gô là ” Gohan”. Thức ăn chính ở Nhật và  các nước có nền văn minh lúa nước là cơm ,  tôn trọng thức ăn nuôi sống con người nên cơm được gọi là ” Gohan ” ” Ngự phạn .”
Tiếng Nhật đầu tiên tôi học khi đặt chân đến thành phố Tokyo trong một căn nhà Nhật đơn sơ nhỏ bé là ” Ohuro ”  Furo có nghĩa  là nhà tắm, đọc “ohuro”  có nghĩa trang trọng vì cái việctắm táp cũng là chuyện quan trọng. Nhưng từ đây về sau  tôi biết rằng không có cái nhà tắm riêng tư  dành cho người ở trọ như tôi , mà mỗi ngày tôi phải trả 15 yen cho cái khoản gọi là đi ” Ô HU RÔ “
  Hình ảnh nội tuyến 1
  Ohuro trong thùng bằng gỗ Hinoki  ( một loại gỗ thông ) 
Theo sự hướng dẫn của bà chủ nhà, tôi mang cái thau nhỏ đựng  xà phòng, bàn chải , gương lược, khăn tắm đi bộ khoảng 100 mét đến một nhà tắm công cộng dành cho cả nam và nữ. Sau khi cất đôi dép vào cái ngăn nhỏ, tôi cùng bà chủ nhà mở cánh cửa kính vào phòng tắm mờ mịt hơi nước.
Hình ảnh đập vào mắt tôi làm tôi ” hoảng ” nhất là mọi người già trẻ, lớn bé, các bà các cô đều trần truồng, “tô hô” toàn bộ.
Còn người thu tiền ngồi trên cái ghế cao quan sát  và thu tiền khách  của cả hai phòng nam nữ lại là một gã đàn ông đứng tuổi mồm miệng lanh chanh chào hỏi. Xóm nhỏ, nhà nhỏ hình như ai cũng biết nhau. Trong chớp mắt không hiểu sao tôi nói với bà chủ nhà : ” thôi bác ạ cháu không tắm đâu, cháu đi về đây “. Tôi mở cửa ,ôm cái thau  nhựa  lấy đôi dép và chạy nhanh khỏi cái nhà tắm khỏa thân toàn phần, thật tình mới thấy đầu tiên  trong đời. Cái sự ” nhập gia không tùy tục ” đầu tiên của tôi chính là cái kiểu tắm ” tô hô ” này.
Ôi nước Nhật ! Tôi chỉ biết qua hình ảnh  hoa anh đào, núi Phú Sĩ, những thiếu nữ khuôn mặt hình trái xoan  khép nép trong cánh áo kimono, những  chàng samurai trừ gian diệt bạo bằng những đường kiếm tuyệt chiêu chỉ cần nghe trong gió, những  bộ phim tình cảm như ” Người phu xe ” tài tử chính Toshiro Mifune đã lấy của tôi bao nhiêu nước mắt. Còn nữa, Keichiro Akagi, James Dean của màn bạc Nhật trong những phim hành động mà ngày tôi ra đi, bạn tôi, một con nhỏ rất ” thần tượng ” tài tử này căn dặn nhớ gửi hình ảnh, tin tức về Akagi cho nó đọc ” đã đời”. Ơ hơ,  chắc nó tưởng Tokyo nhỏ như Saigon , như nhà nó gần mấy cái rạp hát Lê Lợi, Vĩnh Lợi chuột chạy dưới chân muốn đi xem phim muốn có hình tài tử điện ảnh  quá dễ dàng như ăn kẹo. Nó đâu ngờ tôi, người bạn thân yêu của nó đang đứng trước câu hỏi vĩ đại, vĩ mô của
văn hào Shakespear nhằm giải quyết  một vấn đề vi mô, nhỏ như con thỏ ở cái xứ nổi tiếng ăn ở vệ sinh, sạch sẽ tươm tất này.
 ” Ohuro or not Ohuro that is a question “.
Đúng là question, là vấn nạn thật rồi, Suốt đêm hầu như tôi không ngủ được, phần thì lạ nhà, lạ chỗ, người bứt rứt  do không được “khỏe vì nước” thêm cả nỗi lo lắng về nhiều điều lạ lẫm, khó khăn  thử thách trong chuyện học hành lẫn đời sống hằng ngày ở đây.

Ông bà ta thường nói: ” cái khó bó cái khôn”, Sự khó khăn, thiếu thốn thường làm con người khó sáng tạo.Tôi thì nghĩ khác. chính cái khó  mới ” ló “cái khôn, chịu khó  động não sẽ có ý tưởng và tìm ra giải pháp. Sau khi cùng với cả nhà ăn bữa cơm sáng đầu tiên, mỗi người một con cá chiên nhỏ, một bát canh tương miso siri  ” toàn quốc ” , ( có thể hiểu chỉ có nước hay cả nước Nhật đều ăn loại  canh này ) vài ba miếng củ cải muối, thằng bé con bà chủ nhà có  thêm quả trứng gà sống đánh tan trộn vào bát cơm nóng, thêm chút xì dầu, nó ăn ngon lành.

Người Nhật ăn sáng rất nhanh, vội vội vàng vàng để kịp ra ga tàu điện đi làm, trẻ con đi học trường gần nhà, chúng đi bộ cũng rất nhanh. Tác phong của công dân một nước công nghiệp phát triển là nhanh chóng, gọn nhẹ và tiết kiệm, nhất là tiết kiệm thời gian vì thời gian không thể tính bằng tiền, có khi nó quý hơn cả tiền.Trở lại “cái khó mới ló cái khôn”  của tôi, thật ra chả phải phát minh gì lớn lao, sau khi mọi người ra khỏi nhà, tôi hỏi bác chủ nhà: Nhà mình có cái ống  cao su nào dài dài không bác? Tôi giải thích tôi sẽ nối cái ống cao su khoảng 3 mét vào cái  vòi nước chảy xuống bồn rửa bát ra chỗ genkan ( khoảng trống để giày dép trước khi bước vào nền thảm, hay chiếu trong nhà ) diện tích khoảng độ 1 mét vuông   để làm cuộc tẩy trần, đầy đủ quần áo như trẻ con tắm mưa. Tôi đang rất cần nước, con cá nó sống nhờ nước, tôi đang là con cá mắc cạn đây. Bà chủ gật đầu tỏ vẻ chấp thuận và lôi trong góc bếp cái vòi cao su dài ngoằng. Bà nói : Bác cũng làm như vậy để rửa cái genkan và tưới mấy bụi cây tùng trồng trước cửa nhà. ( Ha ha, đúng là chỉ có phụ nữ Việt Nam mới ” ló ” cái khôn tuyệt vời như vậy ).
Sau khi  đã  “khỏe vì nước ” xong, quần áo tươm tất. tôi ngồi chờ anh tôi đưa đi xem phố xá Tokyo, anh tôi phải đi cửa sau vào nhà, vì genkan lau chưa kịp khô. Được bà chủ nhà  “báo cáo thành tích” : đêm qua tôi chạy trốn kiểu tắm khỏa thân ở phòng tắm công cộng, và sáng nay tôi đã phát minh kiểu tắm mưa  ở genkan, thì ông im lặng chẵng nói chẵng rằng (thế mới sợ! ) Chỉ khi trên đường ra nhà ga ông mới nhỏ nhẹ thuyết phục tôi nên đi tắm công cộng: ” Có gì đâu mà mắc cỡ, ai cũng như ai mà, tắm ohuro tốt cho sức khỏe, anh bây giờ ghiền đi ohuro …”  Tôi gật đầu đưa 3 ngón tay hẹn anh ” sự bất quá tam “, cho tôi “tắm mưa” hai lần nữa. Anh lắc đầu, kiểu dứt khoát  rất “quyền huynh thế phụ “.
Suốt một ngày cùng với anh đi shopping, lê la khắp những khu mua sắm cao cấp, khu bán đồ   điện tử, leo lên các cầu thang ở nhà ga, hai chân tôi mõi nhừ, đau “tê tái”. Thêm một trải nghiệm về cái sự đi bộ như chạy của người Nhật, nhà ga, tàu điện, siêu thị bách hóa  (depatoo ) đông người khủng khiếp, chả biết người ở đâu ra mà lắm thế. Ngay buổi tối hôm đó, trở về nhà  tôi quyết định đi ohuro một mình. Đúng là không có gì mà  “ầm ỹ”,  cứ vô tư bắt chước người bản xứ , dân Nhật và dân  Israel nghe nói là sạch sẽ nhất thế giới, Israel thì tôi không biết chứ người Nhật họ xem việc tắm rửa   là  hoạt động thường ngày rất quan trọng đối với họ. Họ có thể đứng ăn, húp xì xụp một bát mì nóng ở nhà ga chỉ trong 5 phút, nhưng họ dành cho việc đi tắm cả nửa giờ đồng hồ có khi hơn.
  Hình ảnh nội tuyến 1
  Ohuro công cộng hiện nay

Người Nhật không e ngại việc trần truồng trước người khác.Trong gia đình vợ chồng con cái tắm chung là chuyện bình thường. Họ bắt đầu bằng việc làm sạch người thật tỉ mỉ bằng xà phòng. Khi đã cảm thấy sạch sẽ rồi, họ bước vào hồ hay thùng  nước nóng khoảng 45 độ ngâm một lúc lâu, bước ra thì thân thể đỏ như con  tôm luộc. Người Nhật quen với việc ngâm nước thật nóng, xây hoặc chứa nước nóng  trong các bể  bằng gạch hay thùng  bằng gỗ Hinoki rất chắc và bền. Nhật Bản là đất nước của núi lửa và suối nước nóng nhiều vô số kể, thuận lợi cho việc du lịch nghỉ dưỡng, ngoài chuyện đi chơi  ăn uống, tắm cũng là một trong nhiều thứ ” khoái ” làm cho người Nhật thích thú và hưởng thụ hết mình.

  Hình ảnh nội tuyến 1
  Ohuro ở khách sạn

Ở  cái nhà tắm công công trong một khu phố nhỏ ngoại ô Tokyo, ai đến đây hình như cũng đều biết nhau. Họ trần truồng, cúi rạp người chào nhau lễ độ, và thân thiện. Họ còn nhờ người quen kỳ lưng hộ, nhất là các bà đi tắm với con dâu hay con gái hoặc bạn hàng xóm. Tính cộng đồng trong gia đình, láng giềng ở Nhật rất đặc sắc, có lẽ bắt đầu từ cái chuyện đi tắm công cộng này. Nó có từ rất xưa, ở thôn quê còn có những nhà tắm công cộng các ông các bà tắm chung, các nhà nghỉ ở vùng có suối nước nóng, hồ tắm bể ngâm có thể sử dụng chung cho tất cả mọi người không phân biệt nam nữ. Về mặt y học, việc tắm và ngâm nước nóng rất tốt cho sức khỏe. Nước nóng làm máu huyết  lưu thông gân, xương, khớp được thư giản một cách nhẹ nhàng, dễ chịu.
Tắm nước nóng  giúp cho giấc ngủ ngon và sâu. Người Nhật có tuổi thọ cao có lẽ nhờ biết vệ sinh thân thể một cách bài bản, các cụ già càng thích tắm nước nóng, càng có cơ hội kéo dài tuổi thọ vì trước tiên họ sẽ có một giấc ngủ tốt, thức dậy tinh thần sảng khoái. Đi tắm công cộng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng, dù cộng đồng chỉ là vài ba người bạn già. Tuổi già cần bạn, còn sống, còn được kỳ lưng cho nhau là hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản mà quý giá ở tuổi xế chiều.
  Hình ảnh nội tuyến 1
Ohuro ở suối nước nóng ( onsen )

Những bước chân đầu tiên của tôi ở Nhật Bản cũng đơn giản  bình thường như thế đó. Phải  nhiều năm tôi mới nhận ra đây  là những bước đi căn bản của cuộc đời tôi, vươn ra và hội nhập với một thế giới bao la, xa lạ, đầy những khám phá thú vị  khi ấy  tôi chưa tròn 19 tuổi. Những khó khăn vất vả nơi xứ người. Ở một đất nước thường xuyên bị thiên tai, bị tàn phá  nặng nề sau chiến tranh, nhìn người Nhật lao động và và học tập đã giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ. Những dấu ấn đặc sắc trong đời sống người Nhật, văn hóa, phong  tục, tập quán nước Nhật  tôi đã được học hỏi, giờ đã trở thành những trải nghiệm, những  kỷ niệm khó quên.
Nhớ về  quãng đường dài của hàng triệu triêu bước chân tôi đã  đi trên trái đất này,  tôi  đã  gom nhặt và lưu giữ kỷ niệm về những bước chân trên  nước Nhật những ngày xa xưa ấy, như  đang  đặt những viên kẹo gói bằng những mảnh giấy nhiều mầu sắc, nhiều hoa văn rất đẹp  vào cái lọ thủy tinh trong  suốt . Để rồi ..thỉnh thoảng lấy ra ngắm, thỉnh thoảng  nhón một
 cái ngậm trong lưỡi. Hương vị  tan dần, tan  dần, lan tỏa một nổi niềm hạnh  phúc rất …bâng  khuâng, ngọt ngào.
   

Phùng Kim Yến
Chiba – Shi 
Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.