Thế giới sẽ rất khác nếu nhìn từ tòa bạch ốc!

 
Không ai phủ nhận rằng nước Mỹ sau chiến tranh lạnh trở thành mạnh nhất thế giới. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Hubert Ve’drine cho rằng Mỹ “đang thống trị thế giới một cách áp đảo về cả 5 phương diện chủ yếu của một cường quốc: chính trị, kinh tế, quân sự, công nghệ và văn hoá”. Song không phải mọi người đều nhất trí với đánh giá của ngoại trưởng Pháp, kể cả các nhà khoa học Mỹ. Ông Joseph Nye, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ xem Mỹ là một siêu cường đang xuống giá, ( Le Monde 3/8/1999). Còn giáo sư Samuel Huntington thì xem Mỹ là một “siêu cường cô đơn”, vì chính sách của Mỹ ngày càng ít bạn và ngày càng bị đại đa số nhân dân thế giới chán ghét, (Foreign Affairs 3 – 4/1999). Còn Ông Garry Wills thì gọi Mỹ là kẻ bắt nạt thế giới tự do, (Foreign Affairs 3 – 4/1999). Những tuyên bố hùng hồn được phát ra từ nhà trắng của các Tổng thống Mỹ trước và sau khi tranh cử và đắc cử hoàn toàn bất nhất .Tất cả các vấn đề tranh luận về chính sách đối ngoại chỉ là chìa khóa để các ứng viên tổng thống Mỹ có thể mở cánh cửa đi vào Tòa Bạch Ốc.

Ngay cả đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng “hùng hồn hứa” trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2008. Ông Obama ủng hộ các cuộc hội nghị mang tính khu vực với Syria và Iran, tham gia đàm phán ngoại giao với chính quyền của người tiền nhiệm George W.Bush (Bush con) đồng thời cam kết loại bỏ chương trình nguyên tử gây tranh cãi của Bắc Hàn. Điều đáng tiếc là, những người cầm quyền nước Mỹ không nhận thấy được những hạn chế trong sức mạnh của mình. Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry tuyên bố: “Hoa Kỳ là nước duy nhất có lợi ích toàn cầu, nên Hoa Kỳ là người lãnh đạo đương nhiên của Cộng đồng quốc tế”. W. Cohen thì tuyên bố: “Hoa kỳ là nước duy nhất có đủ tên lửa để bắn đến bất kỳ nơi nào trên thế giới”!. Thật ra, những tuyên bố này chẳng có gì ghê gớm nếu so với tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống J. Kennedy năm 1961 rằng: “Hoa Kỳ sẽ trả bất cứ giá nào, chịu đựng bất cứ gánh nặng nào, đối phó với bất kỳ khó khăn nào để ủng hộ bất cứ người bạn nào chống lại bất cứ kẻ thù nào, để đảm bảo sự sinh tồn và thắng lợi của nền tự do”. Ba mươi tám năm sau, ông Robert Mc Namara, nguyên Bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Kenedy và L. Johnson, đã gọi lời tuyên bố đó chỉ là một sự bốc đồng (soaring languages). Điều nguy hiểm là chính sách của Mỹ lại xuất phát từ sự đánh giá “bốc đồng” đó. Đó cũng là nguyên nhân dẫn Mỹ đến thất bại. Để tạo dựng hình ảnh mới, Obama và ê-kíp đối ngoại tìm cách loại bỏ các ngôn từ vốn làm nước Mỹ dưới chính quyền Bush bị xa lánh như “hoặc theo nước Mỹ, hoặc chống lại nước Mỹ”, “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, “trục ma quỷ”… Thay vào đó là những tuyên bố mà chỉ trước đây ít lâu còn rất xa lạ như nước Mỹ không phải là kẻ thù của thế giới Hồi giáo, nước Mỹ sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại để thu hẹp các bất đồng, khác biệt.Tuy nhiên hiện nay, Syria đang chìm trong nội chiến, Iran tiếp tục là điểm nóng ở Trung Đông và Bắc Hàn ngày càng chi nhiều tiền cho chương trình nguyên tử của nước này. Thậm chí, tuyên bố đóng cửa nhà tù ở vịnh Guantanamo, Cuba, của ông Obama ký 2 ngày sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vẫn không đủ sức ngừng hoạt động nhà tù này vì nhiều lý do. Ở một góc độ khác, thái độ hòa dịu hơn với Iran vẫn không cản nổi quyết tâm của lãnh  đạo nước này trong việc tìm kiếm công nghệ hạt nhân của mình. Còn Bình Nhưỡng vẫn phớt lờ các cử chỉ hòa giải, tỏ ra cứng rắn và quyết tâm hơn bao giờ hết thông qua các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp. Điều đó cho thấy, trong một số vấn đề cụ thể, thay đổi thực chất trong chính sách đối ngoại không nhất thiết và không thể một chiều từ chính quyền đương nhiệm Mỹ, dù có quyết tâm hay “thiện chí” đến đâu. Trong khi phần lớn các quốc gia trong số gần 200 quốc gia tồn tại trên quả đất này, tuy có mâu thuẫn với nhau, nhưng đều muốn sống trong hoà bình, thì vẫn có một số nước tuy rất ít, theo đuổi nền chính trị cường quyền, nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới, lợi dụng vị thế siêu cường độc nhất của mình sau khi Liên Xô tan rã để áp đặt sự lãnh đạo và những giá trị của mình lên các dân tộc. Đó là nguyên nhân thường xuyên gây mất ổn định trên thế giới. Nếu phân tích kỹ một số điều chỉnh chính sách an ninh, đối ngoại tại một số khu vực và đối tượng trọng yếu của Mỹ thời gian qua, có lý do để tin rằng phần lớn những tuyên bố, bước đi gần đây của Chính quyền Obama về thực chất vẫn là sự kế thừa và nối dài các chính sách của Chính quyền Bush nhiệm kỳ 2. Điều này chủ yếu xuất phát từ thế cân bằng chính trị, xã hội nội tại của nước Mỹ, khiến Obama chưa hoặc không thể áp đặt tư duy an ninh, đối ngoại mang bản sắc riêng của mình..
Bức tranh thế giới quả là rất phức tạp, dễ gây cho người ta nhiều lẫn lộn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào Đông Nam Á, khu vực có quan hệ thiết thân đến nền an ninh và phát triển của Việt Nam, thì có thể thấy dòng chảy chính ở khu vực này không có gì khác hơn là hoà bình, hữu nghị hợp tác để phát triển. 10 năm qua đã như vậy, và tương lai cũng như vậy. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thấy Đông Nam Á còn có rất nhiều vấn đề phức tạp cần tiếp tục phải giải quyết. Nhưng nếu như hoà bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển không phải là dòng chảy chính ở Đông Nam Á thì chúng ta làm sao có được một Đông Nam Á như ngày nay, một Đông Nam Á đoàn kết được tất cả 10 nước trong khu vực, đối thoại bình đẳng với tất cả các nước lớn, một Đông Nam Á phi hạt nhân với sự tham gia của các nước có vũ khi hạt nhân, và một Đông Nam Á với các quy tắc ứng xử chung trong việc xử lý các cuộc tranh chấp ở Biển Đông? Bên cạnh đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, và đặc biệt có rất nhiều tuyến đường năng lượng cũng như thương mại năng động nhất thế giới. Bà Hillary cho rằng việc tăng cường xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế của Mỹ.Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và triển khai chính sách đối ngoại mới theo hướng linh hoạt, mềm dẻo, thực dụng, coi trọng chủ nghĩa đa phương, sức mạnh tập thể nhằm tạo ra một mô hình quan hệ đối tác mở rộng với sự lãnh đạo của Mỹ. Trọng tâm của chiến lược mới là sử dụng “sức mạnh thông minh” với ưu tiên hàng đầu là các công cụ ngoại giao và phát triển. Chính sách đối ngoại mới của Mỹ với khu vực ASEAN và Việt Nam cũng được triển khai tích cực theo hướng đó.

Về chính trị, Mỹ đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam theo hướng “sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam sâu sắc hơn trên cơ sở cùng có lợi”, đồng thời mong muốn hợp tác chặt chẽ khi Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2010. Mỹ tiếp tục coi trọng tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam vì những lợi ích chiến lược lâu dài, coi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, muốn Việt Nam đóng vai trò quốc tế lớn hơn và hợp tác với Mỹ nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là cương vị chủ tịch ASEAN năm 2010, khẳng định Mỹ sẽ xây dựng quan hệ Mỹ – Việt thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Mỹ ở khu vực và theo đó sẽ hợp tác với Việt Nam xử lý vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo không để cản trở mục tiêu trên. Mỹ xác định Việt Nam là nước cần xây dựng quan hệ chiến lược mới.Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng con bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” gây sức ép đối với Việt Nam. Tiếp tục phản đối việc Việt Nam xét xử các nhân vật vi phạm pháp luật mà họ gọi là những người bất đồng chính kiến. Trong các cuộc tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ vẫn còn gắn việc cải thiện tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam với các hoạt động lớn trong quan hệ hai nước, tuy nhiên với thái độ mềm mỏng hơn, không cản trở nhiều đến những nỗ lực thúc đẩy quan hệ chung Việt – Mỹ, và đề nghị Việt Nam có những bước đi hỗ trợ Bộ Ngoại giao Mỹ làm “giảm nhiệt” sức ép trong nội bộ nước Mỹ.
 Hoa Kỳ 22-6-2013
AMARI TX
Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.