CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ PHÂN ĐỊNH CÁC VÙNG BIỂN TRÊN BIỂN ĐÔNG

Công ước về luật biển 1982 là điều ước quốc tế tổng hợp (một bộ luật), là mốc lịch sử quan trọng trong lĩnh vực pháp điển hóa vì sự phát triển tiến bộ của các quy phạm pháp luật quốc tế, đồng thời quy định cụ thể hóa hơn so với Công ước Geneva về luật biển năm 1958. Công ước về luật biển 1982 đã quy định chế độ pháp lý của đại dương và điều chỉnh các dạng hoạt động cơ bản về sử dụng, nghiên cứu, khai thác và chinh phục đại dương phục vụ cho các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện đại

Chương III

CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982

VÀ PHÂN ĐỊNH CÁC VÙNG BIỂN TRÊN BIỂN ĐÔNG

I. CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982

Khó có thể đánh giá hết được tầm quan trọng của đại dương[1] và vai trò của nó đối với đời sống của con người bởi đại dương là ngôi nhà chung, là cầu nối thông thương giữa các lục địa và các nền văn minh của nhân loại, là huyết mạch giao thông đường thủy được tạo thành từ các vùng biển với các chế độ pháp lý khác nhau mà trong đó phần lớn là biển cả, vùng biển là tài sản chung của nhân loại, của tất cả các quốc gia có biển và không có biển.

Trong thế giới hiện đại, ngành thủy vận quốc tế đã ngày một trở nên quan trọng trong hoạt động thông thương giữa các quốc gia. Điều đó đã được khẳng định khi tỷ trọng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng[2]. Thế giới ngày càng đa cực, nhưng không vì thế mà hòa bình và an ninh quốc tế được trường tồn. Do đó, các vấn đề về đại dương, về luật pháp quốc tế và hẹp hơn là luật biển quốc tế hiện đại luôn được cộng đồng đặc biệt quan tâm.

Do vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống của con người nên từ thế kỷ XVI-XVII đã có các Học thuyết về biển kín và biển mở: Học thuyết về biển kín của John Selden – Anh quốc 1635 (viết cuốn ”Mare Clausum” khẳng định quyền của vua Anh thực hiện chủ quyền trên các vùng biển bao quanh nước Anh); Học thuyết về biển mở của Hugo Grotius – Hà Lan 1609 (viết cuốn ”Mare Liberum” về tự do trên biển). Đến thế kỷ XVII-XVIII thì Học thuyết biển mở với nội dung biển là của chung, của mọi người và của mọi quốc gia trên Trái Đất đã chiếm ưu thế hơn.

Năm 1930, Hội quốc liên, tổ chức tiền thân của Liên hợp quốc, đã tổ chức Hội nghị Lahaye về biển, kết quả của Hội nghị này đã công nhận mỗi quốc gia ven biển đều có lãnh hải riêng với ít nhất 3 hải lý và một vùng tiếp giáp lãnh hải. Do vậy, trong một thời gian dài, chiều rộng lãnh hải mà các quốc gia tự xác định cho mình rất khác nhau. Ví dụ, từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, lãnh hải của Anh, Mỹ, Pháp và nhiều quốc gia khác có chiều rộng 3 hải lý, Na Uy 4 hải lý, Tây Ban Nha 6 hải lý, các nước châu Mỹ latinh như Pêru, Chilê, Ecuador đã mở rộng lãnh hải của mình đến 200 hải lý[3].   

1. Các lần hội nghị quốc tế về biển

Từ khi thành lập, Liên hợp quốc luôn chú trọng đến xây dựng luật biển quốc tế, từ đó đã thực hiện được những bước đi quan trọng và cụ thể. Đó là 3 lần tổ chức hội nghị quốc tế về biển vào các năm 1958, năm 1960 và từ năm 1973 đến năm 1982. Tại hội nghị quốc tế về luật biển được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) năm 1958, lần đầu tiên một hội nghị quốc tế được tổ chức với quy mô mở để bàn luận về chế độ pháp lý của đại dương và chi tiết hóa việc sử dụng các vùng biển của đại dương. Hội nghị đã nghiên cứu các dự thảo quy chế về biển mà Ủy ban Liên hợp quốc về luật biển đã chuẩn bị. Trên cơ sở đó Hội nghị đã thông qua được bốn Công ước điều chỉnh chế độ pháp lý các vùng biển và việc đánh bắt cá ở thế giới đại dương. Các Công ước đó là: 1) Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp (có hiệu lực ngày 10/9/1964); 2) Công ước về thềm lục địa (có hiệu lực ngày 10/6/1964); 3) Công ước về biển quốc tế (có hiệu lực ngày 30/9/1962); và 4) Công ước về đánh bắt cá và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật ở biển cả (có hiệu lực ngày 20/3/1966). Nhưng đó là một kết quả còn khá khiêm tốn vì đại dương đang tồn tại rất nhiều vấn đề cấp thiết mà Hội nghị lần này còn chưa đồng thuận.

Về bản chất, Hội nghị đã pháp điển hóa phần lớn các quy phạm luật biển quốc tế hiện đại, lựa chọn các quy phạm dưới dạng tập quán pháp quốc tế và các quy phạm điều ước điều chỉnh các quan hệ về chế độ pháp lý các vùng biển và các hoạt động khác ở thế giới đại dương. Phần giới thiệu của Công ước về biển cả đã nhấn mạnh rằng nội dung của Công ước có tính chất như Tuyên bố chung về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều đó cũng có nghĩa là nội dung Công ước đã phản ảnh bản chất luật tập quán chung. Công ước về biển cả đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cái nhìn tổng thể của cộng đồng về biển cả, cũng như lấy kết quả làm cơ sở để phát triển luật biển quốc tế trong tương lai[4].

Có thể nhận thấy rằng, việc thông qua các Công ước Geneva về luật biển năm 1958 đã khẳng định luật quốc tế đã bước sang một giai đoạn phát triển tiến bộ, vì các nguyên do sau đây:

Một là, trong Công ước Geneva năm 1958 về thềm lục địa, lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý có các quy phạm phối hợp ở tầm quốc tế về đặc quyền của các quốc gia ven biển trong quản lý nguồn tài nguyên ở thềm lục địa và về giới hạn chiều rộng của nó. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau đó, cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, các quốc gia mong muốn thiết lập giới hạn mới về chiều rộng của thềm lục địa bằng các tiêu chí mới cho phù hợp với luật quốc tế hiện đại và với vị thế của từng quốc gia (cần nhấn mạnh rằng, cho đến nay đang song tồn hai điều ước quốc tế điều chỉnh quy chế về thềm lục địa, đó là: Công ước Geneva năm 1958 về thềm lục địa và Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982);

Hai là, Công ước Geneva năm 1958 về vùng tiếp giáp cũng là một điểm nhấn mới trong luật quốc tế vì đây là lần đầu tiên các quy phạm về khái niệm và về quy chế pháp lý vùng tiếp giáp được ghi nhận trên cơ sở của một điều ước quốc tế đa phương.

Hội nghị quốc tế Liên hợp quốc về luật biển lần thứ hai đã được tổ chức ngày 17/3/1960 ở Geneva (Thụy Sĩ), các quốc gia tham dự đã mất nhiều thời gian tranh luận về chiều rộng lãnh hải và vùng đánh cá cho các quốc gia ven biển. Vì còn nhiều bất đồng quan điểm giữa các quốc gia tham gia nên Hội nghị đã không đem lại kết quả, nhưng dù sao đó cũng là tiền đề cho Hội nghị lần sau.

Do sự đa dạng của các hoạt động ở đại dương và kết quả tiến bộ của khoa học kỹ thuật, năm 1970 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua quyết định triệu tập Hội nghị Liên hợp quốc vào năm 1973[5]. Để chuẩn bị cho Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về biển (Third United Nations Conference on the Law of the Sea), Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị trù bị về luật biển từ năm 1967 đến năm 1972. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Thủ tục Hội nghị về luật biển lần thứ ba, ngày 16/11/1973, bằng một Thỏa thuận quốc tế dưới dạng bất thành văn (còn được biết đến với tên gọi là Hiệp ước quân tử – Gentlemen’s agreements[6]). Thành công của Hội nghị lần thứ ba về luật biển và việc chính thức thông qua Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (Công ước về luật biển 1982) – United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS (Công ước này không có điều khoản bảo lưu[7]) là một sự kiện trọng đại nhất trong quan hệ quốc tế nói chung và luật quốc tế hiện đại nói riêng, điều đó đã được minh chứng bằng rất nhiều các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới[8]. Hội nghị đã kéo dài từ năm 1973 đến năm 1982, một kết quả mà nếu tính về thời gian thì chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của các kỳ hội nghị quốc tế. 

Công ước về luật biển 1982 là điều ước quốc tế tổng hợp (một bộ luật), là mốc lịch sử quan trọng trong lĩnh vực pháp điển hóa vì sự phát triển tiến bộ của các quy phạm pháp luật quốc tế, đồng thời quy định cụ thể hóa hơn so với Công ước Geneva về luật biển năm 1958. Công ước về luật biển 1982 đã quy định chế độ pháp lý của đại dương và điều chỉnh các dạng hoạt động cơ bản về sử dụng, nghiên cứu, khai thác và chinh phục đại dương phục vụ cho các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện đại[9]. Cần nhấn mạnh rằng, lần đầu tiên trong Công ước về luật biển 1982 có những quy phạm rất đặc biệt (Điều 311) điều chỉnh được sự “thăng bằng” về quyền và lợi ích giữa các quốc gia có vị thế khác nhau: các quốc gia hùng mạnh, các quốc gia công nghiệp phát triển, các quốc gia đang phát triển và các quốc gia ven biển[10].

Như vậy, luật biển quốc tế đã được pháp điển hóa[11] trong một thời gian dài và có thể tóm tắt làm ba giai đoạn chính:

Giai đoạn 1, từ những năm 20 đến trước khi thành lập Liên hợp quốc;

Giai đoạn 2, là từ khi Liên hợp quốc bắt đầu hoạt động (1946) đến năm 1958;

Giai đoạn 3, là từ giữa những năm 1960 đến năm 1982 [12].

Cần chú ý rằng, trước khi Liên hợp quốc thông qua Công ước về luật biển 1982 thì nguồn cơ bản của luật biển là các Công ước đã được Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị Geneva ngày 24/02/1958 lần thứ nhất về biển[13] (hay còn gọi là các Công ước Geneva về luật biển năm 1958).

 Công ước về luật biển 1982 đã có 160 quốc gia và EU tham gia (tính đến tháng 8/2009, Hoa Kỳ không tham gia Công ước vì Hoa Kỳ cho rằng Công ước này không có lợi cho kinh tế và anh ninh của Hoa Kỳ[14]). Việt Nam đã gia nhập Công ước về luật biển 1982 ngày 23/6/1994 và nộp lưu chiểu tại Liên hợp quốc ngày 25/7/1994[15]. Công ước về luật biển 1982 có 17 phần, 320 điều, 9 phụ lục và 4 nghị quyết. Công ước này có hiệu lực ngày 16/11/1994 sau khi có 60 quốc gia phê chuẩn[16]. Liên hợp quốc đã thông qua Nghị định thư New York ngày 29/7/1994 về việc thực hiện Phần XI của Công ước về luật biển 1982. Nội dung của Nghị định thư này, Phần XI của Công ước về luật biển 1982 được ưu tiên hiệu lực hơn so với các Công ước Geneva về luật biển năm 1958.

2. Các nguyên tắc cơ bản của Luật biển quốc tế

Các nguyên tắccơ bản của Luật biển quốc tếlà những tư tưởng chính trị – pháp lýmang tính chỉ đạo cho quá trình xây dựng và thực hiện Luật biển quốc tế, cũng như quá trình hợp tác, giải quyết các tranh chấp về biển. Những nguyên tắc này được xác định thuộc những nguyên tắc, quy phạm bắt buộc chung của luật quốc tế (quy phạm Jus cogens của luật quốc tế); tức là các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế.

Tính chất jus cogens trong luật quốc tế được thể hiện trên các bình diện sau đây: Một là, đây là các quy phạm đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận; hai là, một hoặc một nhóm chủ thể của luật quốc tế không được phép thay đổi các quy phạm đó; ba là, việc thay đổi các quy phạm này phải dựa trên cơ sở được thừa nhận của cộng đồng quốc tế.

Trong Luật biển quốc tế có các nguyên tắc cơ bản sau:

a. Nguyên tắc tự do biển cả

Biển cả (biển quốc tế) là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải, nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Điều 87 Công ước luật biển 1982 quy định: Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này bao gồm: Tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm; tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép; tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học (khi thực hiện các quyền tự do trên phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước).

Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện quyền tự do trên biển cả của các quốc gia khác và các quyền được Công ước thừa nhận liên quan.

Điều 88 Công ước quy định:Biển cả được sử dụng vào các mục đích hòa bình”.

Cần chú ý rằng, nguyên tắc tự do biển cả được thực hiện không chỉ ở vùng biển quốc tế, mà còn ở ngay trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển, tức là trong các vùng biển này, các quốc gia khác cũng có một số quyền tự do biển cả nhất định.

b. Nguyên tắc đất thống trị biển

Nguyên tắc đất thống trị biển được hiểu là quốc gia ven biển hoặc quốc gia quần đảo được mở rộng chủ quyền hướng ra biển (khoản 2, Điều 49 Công ước về luật biển 1982) nhưng không được sửa chữa lại tự nhiên. Việc mở rộng chủ quyền ra biển được giới hạn theo quy định của luật pháp quốc tế. Các quốc gia không được lạm dụng nguyên tắc này để mở rộng các vùng biển và thềm lục địa ra bên ngoài không phù hợp với quy định của Luật biển quốc tế.

c. Nguyên tắc di sản chung của loài người

Đây là một nguyên tắc đặc thù của Luật Biển quốc tế được áp dụng cho đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cả (gọi là vùng). Đây là đáy biển và vùng lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán của các quốc gia. Những vùng biển này được xem là di sản chung của loài người (được quy định tại Phần XI Công ước về luật biển 1982); theo nguyên tắc chung, vùng là di sản chung của mọi quốc gia (mọi chủ thể của luật quốc tế), không thuộc về quyền sở hữu của bất kỳ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào. Vùng và tài nguyên của vùng được sử dụng vào mục đích hoà bình; việc thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng phải được tiến hành thông qua một tổ chức quốc tế, gọi là cơ quan quyền lực quốc tế. Cơ quan này, bảo đảm phân chia công bằng những lợi ích kinh tế do các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng.

d. Nguyên tắc công bằng

Nguyên tắc công bằng trong Luật Biển quốc tế được hiểu là các quốc gia đều có quyền sử dụng biển cả và sử dụng vùng vào mục đích hoà bình, không phân biệt đối xử; có quyền khai thác nguồn tài nguyên ở biển cả, cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cả; trên cơ sở quy định của luật pháp quốc tế. Biển cả không thuộc chủ quyền của quốc gia nào; là di sản chung của loài người, việc phân định biển phải công bằng và không được sửa lại tự nhiên.

3. Phân loại các vùng biển

Đây là chủ đề được rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu[17]. Theo luật quốc tế hiện đại, đại dương được phân chia có điều kiện thành ba loại vùng biển với các tính chất pháp lý cơ bản khác nhau:

Loại thứ nhất, các vùng biển là một phần lãnh thổ không tách rời của quốc gia ven biển, mà trong đó có sự hiện diện chủ quyền của quốc gia ven biển (như: vùng nội thủy được ghi nhận tại Điều 5 Công ước Geneva về luật biển năm 1958 và tại khoản 1, Điều 8 Công ước về luật biển 1982; vùng lãnh hải được ghi nhận tại Điều 12 Công ước về luật biển 1982);

Loại thứ hai, các vùng biển không là một phần lãnh thổ của quốc gia ven biển, nhưng lại thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa);

Loại thứ ba, là vùng biển không thuộc chủ quyền, không thuộc quyền chủ quyền và không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có biển và quốc gia sử dụng biển (biển cả hay còn gọi là biển quốc tế).

Cần nhấn mạnh rằng, chế độ pháp lý của các vùng biển được phân chia nói trên không giống nhau. Chẳng hạn như, trong vùng lãnh hải khác với vùng nội thủy vì có sự qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài (quyền qua lại hòa bình cần được thực hiện phù hợp với quy định tại Điều 17 Công ước về luật biển 1982 và Điều 14 Công ước Geneva về luật biển năm 1958. Quyền qua lại vô hại này tương tự như thương quyền về tự do bay trên lãnh thổ ký kết không kèm hạ cánh, hay còn gọi là quyền qua lại vô hại trong luật hàng không dân dụng quốc tế). Trong vùng tiếp giáp, các quốc gia ven biển có quyền thực hiện việc kiểm tra các hoạt động trên biển của tàu thuyền nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 33). Với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì các quốc gia ven biển được thực hiện quyền chủ quyền quốc gia theo quy định tại Điều 77 Công ước về luật biển 1982 và khoản 1 Điều 26 Công ước Geneva về luật biển năm 1958. Ví dụ, trong vùng thềm lục địa, quyền chủ quyền quốc gia ven biển có tính đặc quyền, tức là các quốc gia khác không có quyền thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên ở thềm lục địa nếu quốc gia ven biển không cho phép.

Như vậy, trong luật quốc tế đã xuất hiện quy chế pháp lý hỗn hợp đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì ở đó có sự hiện diện quyền chủ quyền của quốc gia ven biển (pháp luật quốc gia) và các quy phạm của luật biển quốc tế được quy định trong Công ước về luật biển 1982. Tất nhiên, cùng với việc thông qua phân loại các vùng biển thì các vấn đề về eo biển, kênh, nước quần đảo, kể cả Bắc Cực và Nam Cực cũng đã chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong Công ước.

a. Nội thủy – Internal waters

Nội thủy là các vùng nước nằm phía trong đường cơ sở (baseline) dùng để tính chiều rộng lãnh hải được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 8 Công ước về luật biển 1982. Các vùng nước phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải bao gồm các vịnh, cửa sông và cảng đậu tàu thuyền… Các vùng nước lịch sử hoặc vịnh lịch sử cũng có quy chế pháp lý như vùng nội thủy mặc dù hiện nay trong luật biển quốc tế còn thiếu quy định cụ thể về vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử. Ví dụ, các vùng nước hoặc vịnh lịch sử: Phangi (Mỹ), Hớtxơn (Canada), Bơríttơn (Anh); vịnh Pêtơrô, Bán đảo Côla, biển Adốp và biển Trắng của Nga; vùng nước lịch sử, như vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia (hai nước đã ký kết ngày 07/7/1982).

Nội thủy là lãnh thổ của quốc gia ven biển, thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ của quốc gia đó. Chế độ pháp lý chủ yếu do luật quốc nội điều chỉnh. Quốc gia ven biển thực hiện quyền tài phán hành chính, dân sự và hình sự trong quan hệ với tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào qua lại. Tàu thuyền quân sự ra vào phải được phép hoặc theo lời mời của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài trong vùng nội thủy của quốc gia khác có nghĩa vụ chấp hành quy tắc hải vận, luật pháp và tập quán của quốc gia ven biển. Vùng nội thủy của quốc gia quần đảo được xác định tại Điều 47 Công ước về luật biển 1982.

b. Lãnh hải – Territorial sea

Lãnh hải là vùng biển nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Lãnh hải thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia ven biển với chiều rộng không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Theo quy định tại Điều 3, Công ước về luật biển 1982 thì mỗi quốc gia có quyền ấn định chiều rộng của lãnh hải đến một giới hạn không quá 12 hải lý từ đường cơ sở được xác định phù hợp với Công ước này. Có hai cách xác định đường cơ sở:

Một là đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải, được tính theo ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn được quốc gia ven biển chính thức công nhận (Điều 5 Công ước về luật biển 1982);

Hai là đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải, được dùng cho bờ biển lồi lõm, khúc khuỷu, quanh co và cho quốc gia quần đảo (Điều 7 Công ước về luật biển 1982). Một số quốc gia kết hợp đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường để tính chiều rộng lãnh hải (tức là kết hợp Điều 5 và Điều 7 của Công ước về luật biển 1982).

Đối với vùng lãnh hải, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ (Điều 2 Công ước về luật biển 1982), ban hành các quy định cho thủy vận, với mục đích đảm bảo an ninh, các phương tiện và trang thiết bị vận tải thủy, bảo vệ tài nguyên sinh vật và phòng ngừa ô nhiễm, quy định khu vực cấm tàu thuyền nước ngoài (khoản 3, Điều 25 Công ước về luật biển 1982).

Theo Điều 18 và 19 Công ước về luật biển 1982 thì qua lại hòa bình (qua lại vô hại – right of innocent passage) được hiểu là tàu thuyền nước ngoài chạy qua không rẽ vào vùng nội thủy, hoặc đi qua vùng nội thủy, hoặc đi từ vùng nội thủy ra biển cả (Điều 18 Công ước về luật biển 1982). Như vậy, đi lại hòa bình có nghĩa là không vi phạm các quy định và an ninh của quốc gia ven biển (Điều 19 Công ước về luật biển 1982) và chấp hành luật lệ của quốc gia ven biển.

Theo Điều 19 Công ước về luật biển 1982, các quốc gia có quyền đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển không phải xin phép trước nếu họ không có các hoạt động:

Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia ven biển;

Luyện tập, diễn tập với bất kỳ loại vũ khí nào;

Thu thập tin tức tình báo gây thiệt hại cho quốc gia ven biển;

Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc gia ven biển;

Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay, phương tiện quân sự;

Xếp dỡ hàng hóa, tiền bạc, đưa người lên xuống tàu trái quy định của quốc gia ven biển;

Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng;

Đánh bắt hải sản;

Nghiên cứu, đo đạc;

Làm rối loạn hoạt động giao thông liên lạc;

Các hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

Trong vùng lãnh hải, quốc gia ven biển thực hiện các quyền:

Một là, quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài khi có vụ việc phạm tội trên tàu thuyền nước ngoài mà hệ quả của vụ việc đó tác động đến quốc gia ven biển; hoặc tính chất của nó ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia ven biển; hoặc gây mất trật tự vùng lãnh hải; nếu trưởng tàu thuyền, đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự có đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ (Điều 27 Công ước về luật biển 1982); và nhằm ngăn chặn buôn bán trái phép ma túy;

Hai là, quyền tài phán dân sự không thực hiện với tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải nhưng có thể áp dụng các biện pháp hình phạt hoặc bắt giữ tại điểm đậu trong lãnh hải, hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy; có quyền đòi bồi thường do tàu thuyền nước ngoài gây ra trong thời gian khi đi qua lãnh hải (làm hư hại các phương tiện hàng hải, ống dẫn ngầm, hệ thống lưới đánh bắt cá vv…;

Ba là, tàu quân sự nước ngoài khi đi qua lãnh hải, ở trong lãnh hải hoặc trong nội thủy có quyền bất khả xâm phạm theo quy định của luật quốc tế nhưng không đe dọa đến an ninh quốc gia ven biển. Tàu thuyền quân sự nước ngoài nếu không chấp hành luật lệ của quốc gia ven biển sẽ bị buộc phải rời khỏi lãnh hải (Điều 30 Công ước về luật biển 1982).

c. Vùng tiếp giáp – Contiguous zone

Vùng tiếp giáp là vùng biển nằm bên ngoài liền kề với lãnh hải, rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 33 Công ước về luật biển 1982).

 Quốc gia ven biển có quyền kiểm tra để phòng ngừa vi phạm các luật về hải quan, thuế, y tế, nhập cư và trừng phạt các hành vi vi phạm các quy định trên lãnh thổ hay trong lãnh của mình (Điều 33 Công ước về luật biển 1982).

Đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ ở đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 303 Công ước về luật biển 1982), nếu không được phép của quốc gia ven biển, mọi sự trục vớt các hiện vật này đều bị coi là vi phạm xảy ra trên lãnh hải hoặc trong lãnh hải của quốc gia đó và quốc gia đó có quyền trừng trị. Khác với vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp không thuộc lãnh thổ và không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển thực hiện quyền tài phán hạn chế hơn.

d. Vùng đặc quyền kinh tế – Exclusive economic zone

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải, cùng với lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vùng đặc quyền kinh tế không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, có quy chế pháp lý riêng. Các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, cũng như các quyền và tự do của các quốc gia khác được điều chỉnh phù hợp với Điều 55 Công ước về luật biển 1982. Quốc gia ven biển thực hiện quyền chủ quyền với mục đích thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tài nguyên sinh vật biển; lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình khác v.v… (Điều 56 Công ước về luật biển 1982).

Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác có các quyền tự do sau đây (khoản 1, Điều 58 Công ước về luật biển 1982):

1) Tự do hàng hải;

2) Tự do hàng không;

3) Tự do lắp đặt dây cáp ống dẫn ngầm (khi đặt đường ống dẫn ngầm phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển);

4) Được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác phù hợp với luật định và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này, phù hợp với các quy định khác của Công ước.

Trong khu vực Biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia lân cận lại trùm lẫn lên nhau. Phương án phân chia tốt nhất vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa tại Biển Đông là theo đường trung tuyến. Tuy nhiên, các quốc gia trong vùng đều không áp dụng phương án đường trung tuyến. Mỗi quốc gia đều có những tuyên bố riêng biệt về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nên dẫn đến phát sinh tranh chấp.

e. Biển cả và chế độ pháp lý của biển cả (high sea)

Biển cả là toàn bộ các phần biển nằm ngoài các vùng nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế và ngoài vùng nước quần đảo của các quốc gia quần đảo thuộc quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật quốc tế (Điều 86 Công ước về luật biển 1982).

Chế độ pháp lý biển cả quy định đối với tàu thuyền mọi quốc gia khi hoạt động ngoài biển cả phải có cờ quốc gia, tuân thủ nguyên tắc tự do biển cả và có trách nhiệm tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác (Điều 87 Công ước về luật biển 1982). Ngoài quốc gia mình, các tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu thuyền quân sự ở biển cả đều có quyền bất khả xâm phạm, các quốc gia khác không có quyền tài phán. Cấm các quốc gia khác có biện pháp cưỡng ép hoặc hành động bạo lực. Mọi tàu thuyền đều có các đặc quyền và ưu đãi đặc biệt. Tất cả các quốc gia có quyền hợp tác với nhau, bằng mọi khả năng của mình, để trấn áp cướp biển trên biển cả hay ở bất kỳ nơi nào khác không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào (Điều 100 Công ước về luật biển 1982).

Ngoài ra, hoạt động của các quốc gia ở biển quốc tế còn được điều chỉnh bởi một số điều ước quốc tế song phương quan trọng khác, ví dụ như Thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ ký kết ngày 25/5/1972 về phòng ngừa sự va chạm ở biển cả và khoảng không trên nó, các tàu thuyền có thể quan sát hoặc giám sát lẫn nhau, nhưng không được làm phiền đến hoạt động hoặc gây nguy hiểm cho nhau (khoản 4, Điều 3 của Thỏa thuận); hoặc điều ước quốc tế tương tự giữa Liên Xô và Anh đã được ký kết năm 1986.

Các quốc gia không có vùng biển có quyền tiếp cận biển cả bằng cách đi transit qua lãnh thổ của quốc gia ven biển (Điều 124 đến Điều 132 Công ước về luật biển 1982).

Vùng di sản chung gồm đáy biển, lòng đất đáy biển và tài nguyên ở đó không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào, mà là di sản chung của nhân loại. Việc khai thác và sử dụng vì mục đích hòa bình cho con người phải tuân theo pháp luật và tập quán quốc tế, do cơ quan quốc tế có thẩm quyền quản lý chung (Điều 137 Công ước về luật biển 1982)

f. Thềm lục địa (Continental shelf) và quy chế pháp lý thềm lục địa

Theo Công ước Geneva về luật biển năm 1958, thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tiếp giáp với bờ biển, các hải đảo nằm ngoài lãnh hải đến độ sâu 200m hoặc sâu hơn nữa tới mức độ cho phép khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở đó.

Thềm lục địa, theo quy định của Công ước về luật biển 1982, là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý (Điều 76). Nếu thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình và báo cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc để xem xét và đưa ra khuyến nghị và có nghĩa vụ đóng góp khi khai thác (Điều 76 và Phụ lục II Công ước về luật biển 1982).

Theo đó, Điều 76 Công ước về luật biển 1982 quy định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý nếu như rìa ngoài của bờ lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên lớn hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo sự kéo dài tự nhiên đó nhưng cũng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý.

Trong thềm lục địa, các quốc gia ven biển có quyền thăm dò, khai thác, tài nguyên thiên nhiên thềm lục địa; lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình khác (Điều 77 Công ước về luật biển 1982). Các quốc gia khác muốn khai thác ở thềm lục địa phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm (Điều 79 Công ước về luật biển 1982).

g. Quy chế pháp lý eo biển và kênh quốc tế

Kênh quốc tế là công trình thủy lợi nối biển với đại dương và được sử dụng làm vận tải quốc tế, ví dụ như các kênh đào Xuy-ê, Panama và Kinxki.

Kênh đào Xuy-ê nối Địa Trung Hải và Hồng Hải là đường giao thông trọng yếu giữa Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Kênh đào Xuy-ê khởi công xây dựng ngày 25/5/1859 và hoàn thành vào ngày 17/11/1869. Năm 1882, Anh xâm chiếm Ai Cập và khống chế kênh đào Xuy-ê. Năm 1956, người Anh rút khỏi Ai Cập sau 74 năm chiếm đóng. Tổng thống Ai Cập đã công bố quốc hữu hóa kênh đào Xuy-ê ngày 26/7/1956. Công ước về đảm bảo tự do cho kênh đào Xuy-ê được ký kết năm 1888, nội dung Công ước đã quy định kênh đào Xuy-ê được tự do sử dụng 24/24h cho tất cả các quốc gia. Chính phủ Ai Cập có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để đảm bảo tự do thủy vận trên kênh đào này.

Kênh đào Panama. Văn bản pháp lý về đào kênh Panama được điều chỉnh bằng các điều ước Quốc tế ký kết giữa Mỹ và Panama vào các năm 1901 và năm 1903. Kênh Panama được đào từ năm 1904 và hoàn thành vào tháng 8/1914 (sau 10 năm). Kênh đào Panama có quy chế pháp lý quy định tự do cho tàu thuyền quân sự và phi quân sự. Hoa Kỳ đã quản lý kênh đào Panama đến năm 1977, sau đó Mỹ và Panama ký các điều ước về kênh Panama, về sự trung lập vĩnh viễn và khai thác kênh đào này. Các điều ước này thay thế cho các điều ước trước đó và có hiệu lực đến ngày 31/12/1999. Từ ngày 01/01/2000, kênh đào Panama và các công trình thủy lợi đã chuyển chủ quyền cho chính phủ Panama.

Kênh Kinxki. Quy chế pháp lý về kênh Kinxki được quy định bằng các văn bản pháp luật của Đức và các Thỏa thuận giữa Đức với các các quốc gia khác. Theo đó, tàu thuyền phi quân sự của các quốc gia có quyền đi lại 24/24h. Đối với tàu quân sự nước ngoài thì đi qua kênh cần xin phép, cắm cờ quốc gia của mình và tuân thủ các quy định hàng hải.

Eo biển quốc tế là phần thu hẹp tự nhiên của biển mà tàu thuyền và phương tiện bay qua được điều chỉnh bằng luật quốc tế (Công ước về luật biển 1982); hoặc eo biển quốc tế là các đường biển tự nhiên nối các biển, các đại dương với nhau và được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế. Eo biển quốc tế là đường ngắn nhất không chỉ nối các lục địa và các nước với nhau mà còn nối giữa các miền của một nước. Chế độ tự do qua lại này không động chạm tới các quy chế khác của các vùng nước trong eo biển đó (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế). Công ước về luật biển 1982 cũng có quy định riêng về chế độ qua lại vô hại đối với một số eo biển quốc tế.

Eo biển quốc tế có 3 đặc điểm cơ bản sau đây:

Một là, được tạo thành giữa một bên là đảo, một bên là lãnh thổ trên đất liền của một nước nếu như phía bên kia của đảo cũng là đường hàng hải quốc tế thuận tiện để ra biển cả; Hai là, nằm giữa một bên là biển cả và một bên là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của nước khác; và Ba là, có nhiều eo biển quốc tế là đường dẫn tới biển kín (eo biển Ban Tích, eo biển Hắc Hải…) có quy chế pháp lý riêng được quy định bằng các điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế[18].

4. Giải quyết các tranh chấp trên biển.

Nội dung Điều 279 Công ước về luật biển 1982 đã quy định nghĩa vụ của các quốc gia cần giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo đó các quốc gia tranh chấp, trước hết cần ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc; hoặc cần phải tìm các giải pháp, các phương pháp đã được quy định tại khoản 1, Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, sau đó sẽ áp dụng Công ước về luật biển 1982. Nội dung các Điều từ 279 đến Điều 299 (Phần XV) của Công ước về luật biển 1982 đã quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp, cũng như cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Hiện nay, các quốc gia đều căn cứ vào Công ước về luật biển 1982 để giải quyết bất đồng và tranh chấp về các vùng biển quốc gia cũng như các báo cáo về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia (Điều 76 Công ước về luật biển 1982).

Như vậy, để giải quyết các tranh chấp trên biển, các quốc gia cần dựa vào cơ sở pháp lý là luật pháp quốc tế (các điều khoản và thủ tục); thông qua cơ chế Liên hợp quốc, Tòa án quốc tế, Tòa án luật biển quốc tế, Tòa trọng tài quốc tế hoặc tiến hành bằng cách đàm phán song phương và đa phương.

Nội dung giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế cụ thể nói trên như sau:

a. Liên hợp quốc

Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là hai cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc, có vai trò chính trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp về biển nói riêng. Với tư cách là các cơ quan tối cao của Liên hợp quốc, Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền thảo luận mọi vấn đề liên quan đến việc bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế, đưa ra các nghị quyết có tính bắt buộc hoặc khuyến nghị về bất cứ vấn đề gì cho các quốc gia hữu quan trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

b. Tòa án quốc tế về luật biển (TALB-ITLOS)

Tòa án quốc tế về luật biển được thành lập và hoạt động theo quy định của Công ước về luật biển 1982 và Quy chế của Tòa án quốc tế về luật biển. Tòa gồm 21 thẩm phán, thủ tục giải quyết giống như Tòa án quốc tế. Khác với Tòa án quốc tế và Tòa án EU, Tòa án quốc tế về luật biển không có thẩm quyền giải thích luật với ý nghĩa của một kết luận tư vấn. Ví dụ, trong vụ tranh chấp song phương giữa Singaporevà Malaysia về lãnh hải tại phiên tòa ngày 09/10/2003, Malaysia lập luận rằng Singapoređã vi phạm lãnh hải và chiếm đất ở biển, Malaysia đã đệ trình vấn đề này lên Tòa án quốc tế về luật biển tại Hamburg (Đức) và yêu cầu cơ quan này lệnh cho Singaporephải dừng ngay mọi cuộc khai thác xung quanh Tuas và Pulau Tekong. 21 thẩm phán của Tòa án quốc tế về luật biển đã phán quyết Singaporetiếp tục việc khai thác xung quanh Tuas và Pulau Tekong; hoặc các vụ tranh chấp khác như: vụ tranh chấp quần đảo Falmas giữa Mỹ và Hà Lan năm 1928; vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous giữa Anh và Pháp năm 1953; vụ tranh chấp hai nhóm đảo giữa Indonesia và Malaysia năm 2002.

Các bên tranh chấp cũng không phải bắt buộc lựa chọn Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp, đôi khi vụ việc tranh chấp lãnh thổ trên biển cũng được các bên đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Ví dụ năm 2003, Malaysia và Singaporecùng yêu cầu ICJ xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Pedra Brance (thường được biết đến với tên gọi là Pulau Batu Puteh ở Malaysia), Middle Rocks và South Ledge. Vụ việc đã được phán quyết vào tháng 5/2008 mà theo đó chủ quyền đối với đảo Pedra Brance đã được trao cho Singapore,Middle Rock thuộc về Malaysia, còn South Ledge được chia tách cho cả hai nước căn cứ theo lãnh hải. Cả Malaysia và Singapoređều chấp nhận phán quyết của ICJ[19]

c. Tòa trọng tài về luật biển

Tòa trọng tài về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước về luật biển 1982. Tòa trọng tài về luật biển giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích, áp dụng Công ước có liên quan đến các vấn đề:

Một là, quyền chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển; Hai là, nghiên cứu khoa học biển; và Ba là, các quy định của Công ước về đánh bắt hải sản.

Trọng tài viên của Tòa trọng tài về luật biển do các quốc gia thành viên Công ước về luật biển 1982 chỉ định (mỗi quốc gia có quyền chỉ định 4 trọng tài, Tổng thư ký Liên hợp quốc lập danh sách trọng tài và khi có tranh chấp một Hội đồng trọng tài được thành lập từ danh sách đó).

Hội đồng trọng tài thường có 5 thành viên: Mỗi bên tranh chấp chỉ định một trọng tài; 3 trọng tài còn lại do các bên tranh chấp thỏa thuận; Chủ tịch Hội đồng trọng tài được chọn một trong 3 trọng tài đó. Hội đồng trọng tài phán quyết theo đa số, nếu trường hợp số phiếu bằng nhau thì phiếu của Chủ tịch Hội đồng trọng tài quyết định. Phán quyết của Hội đồng trọng tài là chung thẩm, không kháng án, kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

e. Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển

Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển được thành lập và hoạt động theo Phụ lục VIII Công ước về luật biển 1982. Để thành lập Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển phải kể đến sự đóng góp to lớn của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền chuyên môn, như: IMO; FAO; Chương trình Liên hợp quốc về môi trường (UNEP) và Ủy ban hải dương học liên chính phủ. Các tổ chức quốc tế này lập Danh sách các chuyên gia về từng lĩnh vực trên cơ sở tiến cử của các quốc gia thành viên Công ước về luật biển 1982.

Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển giải quyết các tranh chấp theo từng lĩnh vực riêng, cụ thể như: hàng hải; nghiên cứu khoa học biển; đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển.

Như vậy, việc phân loại pháp lý các vùng biển đã ghi nhận cụ thể quyền của các quốc gia đối với các vùng biển và quy chế pháp lý đối với từng vùng. Cộng đồng quốc tế đã đạt được mục đích là xây dựng được văn bản thành văn quy định về các hoạt động của các quốc gia ở thế giới đại dương.

II. PHÂN ĐỊNH CÁC VÙNG BIỂN TRÊN BIỂN ĐÔNG

Đây là lĩnh vực đã được nhiều nhà khoa học trong nước nghiên cứu[20]. Theo các điều khoản của luật biển quốc tế, tất cả các quốc gia ven biển đều có quyền hoạch định các vùng biển của mình như vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc hoạch định các vùng biển vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, đặc biệt là đối với các quốc gia thành viên của Công ước về luật biển 1982. Việc hoạch định các vùng biển còn nhằm tạo ra sự ổn định và trật tự trong việc sử dụng và quản lý biển. Trong trường hợp các quốc gia ven biển có vùng biển không có liên quan đến lợi ích của các quốc gia khác thì ranh giới của các vùng biển này do các quốc gia ven biển tự xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như với thực tiễn quốc tế. Trong trường hợp vùng biển của quốc gia ven biển lại nằm tiếp liền, đối diện hoặc chồng lấn với vùng biển của các quốc gia khác thì việc hoạch định ranh giới các vùng biển đó cần phải đàm phán và thỏa thuận với các quốc gia có liên quan.

Như vậy, việc phân định biển có thể được hiểu là quá trình hoạch định đường ranh giới phân chia các vùng biển giữa hai hay nhiều quốc gia hữu quan, tức là vấn đề phân định biển được đặt ra cho các quốc gia có các vùng biển tiếp liền hoặc đối diện nhau và có danh nghĩa pháp lý các vùng biển chồng lấn nhau.

Phân định biển nhằm mục đích xác định rõ đường biên giới biển, phân chia (hoặc đường phân chia) vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển hoặc quốc gia quần đảo (gọi chung là quốc gia ven biển).

Phân định biển là một vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia nói riêng và an ninh quốc tế nói chung, đảm bảo việc khai thác và sử dụng biển vì sự trường tồn của con người. Việc phân định biển không chỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định biên giới lãnh thổ quốc gia trên biển đối với mỗi quốc gia có biển, mà đây còn là một vấn đề có tính nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của các quốc gia có liên quan. Do đó, để giảm thiểu xung đột lợi ích quốc gia, việc phân định biển phải được tiến hành một cách hợp lý, tôn trọng và tuân thủ hệ thống pháp luật quốc tế, cũng như những chứng cứ pháp lý – lịch sử đã được ghi nhận và tồn tại trong lịch sử phát triển dân tộc ở mỗi quốc gia.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, các quốc gia ven biển dựa trên cơ sở luật quốc tế và áp dụng các phương pháp khác nhau để tiến hành đàm phán nhằm tìm ra giải pháp phân định biển. Chẳng hạn như:

Một là, áp dụng phương pháp đường trung tuyến cách đều. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau. Theo đó, đường ranh giới để phân định biển chính là đường mà tất cả các điểm nằm trên đường đó đều cách đều các điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia tương ứng.Phương pháp này thường sử dụng trong phân định các vùng biển có bờ biển bằng phẳng, ít lồi lõm, ít khúc khuỷu hoặc không có sự hiện diện của các đảo…

Hai là, áp dụng phương pháp công bằng. Đây là phương pháp mà khi thực hiện phân định biển các quốc gia hữu quan cần phải xem xét, cân nhắc và chú ý tới các yếu tố như: hình dạng bờ biển, các đảo, vấn đề về hàng hải… nhằm tìm ra được các giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận. Muốn đạt được kết quả công bằng trong phân định biển cần phải áp dụng các quy định của Công ước về luật biển năm 1982 một cách khoa học, vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, phương pháp phân định cho phù hợp với thực tế và các hoàn cảnh hữu quan của khu vực phân định.

 Các phương pháp khác: Phương pháp phần kéo dài tự nhiên của biên giới trên bộ:Trên cơ sở đường biên giới trên bộ kéo dài tự nhiên ra biển để phân định vùng biển đang tranh chấp. Đến nay, mới chỉ có 3 trường hợp áp dụng phương pháp này là Thoả thuận giữa Brazil và Uruguay (ngày 21/6/1972); Thoả thuận giữa Gambia và Sênêgan (ngày 04/6/1974); Thoả thuận giữa Colombia và Ecuador (ngày 23/8/1975). Phương pháp đường vuông góc đối với hướng đi chung của bờ biển: Trên cơ sở hướng đi chung của bờ biển kẻ đường vuông góc để phân định vùng biển đang tranh chấp (phân định thềm lục địa giữa Guinea và Guiné-Bissau). Phương pháp đường kinh tuyến và vĩ tuyến: Đây là phương pháp dựa vào đường kinh tuyến và vĩ tuyến để phân định các vùng biển liên quan giữa các bên. Áp dụng trong các trường hợp sau: Tuyên bố Santiago giữa Chilê, Pêru và Ecuador (ngày 18/8/1952); Hiệp định giữa Colombia và Pêru (ngày 23/8/1975); Hiệp định giữa Pháp và Venezuela (ngày 17/6/1980)…

Công ước về luật biển 1982 đã quy định cụ thể và rõ ràng về khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển. Các quốc gia ven biển không chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý, mà còn có những vùng biển khác như vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Mặc dù, các quy định trong Công ước về luật biển 1982 đã tạo điều kiện tối đa để các quốc gia có biển mở rộng một cách đáng kể chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình nhưng thực tiễn còn nhiều các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau. Đó cũng chính là nguyên nhân làm phát sinh xung đột[21], có nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế khu vực (ví dụ như ASEAN), cũng như trên toàn thế giới (ví dụ như châu Á – Thái Bình Dương).

1. Về phân định lãnh hải

Theo Công ước về luật biển 1982, chiều rộng của lãnh hải được định chế không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên, khi phân định ranh giới lãnh hải có thể xuất hiện các “yếu tố” có thể ảnh hưởng đến phân định ranh giới lãnh hải. Ví dụ như sự hiện diện của các đảo và các công trình nhân tạo trên biển v.v… Công ước Geneva về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (khoản 1, Điều 12) và Công ước về luật biển 1982 (Điều 15) đã quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác”.

Quy định trên đã ghi nhận phương pháp đường trung tuyến cách đều, cũng như mở ra khả năng để các quốc gia liên quan có thể thoả thuận về một giải pháp phân định khác dựa trên cơ sở có tính đến các yếu tố như danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể về danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt chưa được hai Công ước nói trên quy định cụ thể dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý cụ thể để các quốc gia có liên quan tiến hành đàm phán, thoả thuận về việc thừa nhận có sự hiện diện của danh nghĩa lịch sử hay hoàn cảnh đặc biệt cũng như mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến giải pháp phân định ranh giới lãnh hải. Thực tiễn quốc tế về phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp thường gặp các “hoàn cảnh đặc biệt” sau đây: Hình dạng bất thường của bờ biển; sự hiện diện của các đảo; tuyến đường và luồng hàng hải…

Công ước về luật biển 1982 không có qui định riêng biệt về phân định vùng nội thuỷ và vùng  tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế, khi phân định vùng nội thuỷ, các quốc gia có biển thường áp dụng tương tự như các định chế được quy định tại Điều 15 Công ước về luật biển 1982; còn việc phân định vùng tiếp giáp lãnh hải thì phức tạp hơn vì các điều khoản quy định về vùng biển này nằm chung trong Phần II “Lãnh hải và vùng tiếp giáp” của Công ước về luật biển 1982. Việc đặt tên mục của Phần II, Công ước về luật biển 1982 là “Lãnh hải và vùng tiếp giáp” có thể là một quy định “mở” để các quốc gia liên quan có thể áp dụng những quy  định về phân định lãnh hải trong Điều 15 Công ước về luật biển 1982 cho việc phân định vùng tiếp giáp lãnh hải.

2. Về phân định vùng đặc quyền kinh tế

Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia không thiết lập vùng tiếp giáp lãnh hải, mà chỉ thiết lập vùng đặc quyền kinh tế; bởi vì, vùng tiếp giáp lãnh hải là một bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế; là hai vùng biển thuộc quyền chủ quyển của quốc gia ven biển. Quy chế pháp lý vùng đặc quyền kinh tế cũng điều chỉnh các hoạt động ở vùng tiếp giáp lãnh hải. Đây là hai vùng biển nằm bên ngoài đường biên giới quốc gia trên biển nên trong trường hợp xuất hiện nhu cầu về phân định ranh giới giữa vùng tiếp giáp lãnh hải, các quốc gia có thể áp dụng (hay viện dẫn) Điều 74 “Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau” Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Điều 74 Công ước về luật biển 1982 quy định như sau:

Một là, việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng (khoản 1);

Hai là, nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV (khoản 2);

Ba là, trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng (khoản 3);

Bốn là, khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó (khoản 4).

3. Về phân định thềm lục địa

 Phân định thềm lục địa được quy định trong Điều 83 của Công ước về luật biển 1982. Cụ thể như sau:

Một là, việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế để đi tới một giải pháp công bằng (khoản 1);

Hai là, nếu không đi tới một thỏa thuận trong một thời hạn hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV Công ước (khoản 2);

Ba là, trong khi chờ đợi ký kết thỏa thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và không để phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng;

Bốn là, khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới thềm lục địa được thực hiện theo đúng điều ước đó.

Như vậy, việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được ưu tiên thực hiện bằng con đường thỏa thuận, chỉ khi thoả thuận không thành thì các bên mới sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình đã được định chế trong khoản 3, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, các bên được quyền chọn các biện pháp hòa bình thích hợp. Ngoài ra, các bên có thể lựa chọn một hay nhiều thiết chế sau đây:

– Tòa án quốc tế về luật biển, thành lập theo Phụ lục VI;

– Tòa án công lý quốc tế;

– Tòa án Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII;

– Tòa án đặc biệt, theo Phụ lục VIII.

  Khác với phân định lãnh hải, Công ước về luật biển 1982 đã không đưa ra một phương pháp cụ thể để phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nhưng lại nhấn mạnh đến 2 nguyên tắc: “dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế” và “giải pháp công bằng”. Về nguyên tắc dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước về luật biển 1982 đã mở ra khả năng áp dụng tất cả các nguồn của luật pháp quốc tế, kể cả tập quán quốc tế cũng như các án lệ quốc tế và thực tiễn đã được phân định giữa các quốc gia. Còn về giải pháp công bằng có thể có ý nghĩa nhiều hơn về mặt định tính vì đây là một quy định mang tính hàn lâm (hoặc định hướng).

Trong mỗi trường hợp cụ thể, khi phân định thềm lục địa dựa trên cơ sở nguyên tắc giải pháp công bằng sẽ được coi là đạt kết quả sau khi các bên hữu quan chấp nhận được các yếu tố liên quan trong khu vực phân định và áp dụng linh hoạt các quy định về phân định. Ví dụ như các yếu tố về: đặc điểm địa lý, địa mạo, địa chất; sự hiện diện của mỏ tài nguyên; tỷ lệ giữa chiều dài bờ biển và diện tích thềm lục địa; sự hiện diện của đảo; điểm mút biên giới đất liền; sự hiện diện của các đường đường cấp phép thăm dò, khai thác dầu khí hay các tài nguyên khác; yếu tố quốc gia bất lợi về địa lý; lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh; truyền thống đánh bắt cá; giao thông thủy vận; yếu tố văn hoá; và các quyền lợi chính đáng khác.

Đối với các án lệ quốc tế trong lĩnh vực phân định vùng thềm lục địa, cần ưu tiên xem xét đến các đặc trưng về địa lý mà có ảnh hưởng nhiều đến giải pháp phân định. Ví dụ như hình thái bờ biển; sự hiện diện của đảo; và tỷ lệ giữa chiều dài bờ biển và diện tích thềm lục địa.

Để đảm bảo tôn trọng việc xác định ranh giới thềm lục địa lớn hơn 200 hải lý, một Ủy ban ranh giới thềm lục địa được lập ra trong khuôn khổ Công ước về luật biển 1982. Ủy ban ranh giới thềm lục địa gồm 21 ủy viên là chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn do các quốc gia thành viên tham gia công ước lựa chọn trong số công dân của mình, đảm bảo một sự đại diện công bằng về địa lý. Các ủy viên này thi hành các chức trách của mình với tư cách cá nhân. Việc bầu cử các ủy viên của Ủy ban được tiến hành trong hội nghị của các quốc gia thành viên do Tổng thư ký triệu tập tại trụ sở của Liên hợp quốc. Số đại biểu cần thiết là 2/3 số quốc gia thành viên. Những ứng cử nào thu được 2/3 số phiếu của các đại biểu có mặt và bỏ phiếu thì trúng cử ủy viên của Ủy ban. Mỗi vùng địa lý được tuyển chọn ít nhất 3 ủy viên. Các ủy viên của Ủy ban được bầu với một nhiệm kỳ là 5 năm và họ có thể được bầu lại.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa đã công bố danh sách 21 thành viên trong nhiệm kỳ đầu tiên (ngày 13/3/1997). Đến nay, Ủy ban đã tổ chức 3 kỳ bầu cử với các nhiệm kỳ: 1997 – 2002; 2002 – 2007; và 2007 – 2012. Ủy ban ranh giới thềm lục địa thường họp 2 lần/năm (mùa xuân và mùa thu) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Việc triệu tập các phiên họp được phê duyệt bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc trong các nghị quyết hàng năm của mình về biển và luật biển.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa có chức năng xem xét các số liệu và các thông tin khác do các quốc gia ven biển gửi đến có liên quan đến ranh giới ngoài thềm lục địa khi thềm lục địa này mở rộng quá 200 hải lý, đưa ra các kiến nghị theo đúng điều 76 và Giác thư thỏa thuận (Memorandum d’accord) đã được Hội nghị Luật biển lần thứ III của Liên hợp quốc thông qua ngày 29/8/1980. Bên cạch đó, Ủy ban cũng có chức năng cung cấp các ý kiến về khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng các số liệu cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa theo yêu cầu của quốc gia ven biển liên quan.

Khi cần thiết, Ủy ban ranh giới thềm lục địa có thể hợp tác với Ủy ban hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Tổ chức thủy văn quốc tế và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền khác nhằm thu thập các số liệu khoa học và kỹ thuật có thể giúp cho Ủy  ban hoàn thành trách nhiệm.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa hoạt động thông qua 2 tiểu ban, gồm 7 ủy viên được chỉ định 1 cách cân bằng theo yêu cầu của quốc gia ven biển. Khi xem xét các đơn yêu cầu của các quốc gia ven biển, tiểu ban sẽ gửi các kiến nghị của mình lên Ủy ban. Sau đó, Ủy ban chuẩn y các kiến nghị của Tiểu ban theo đa số 2/3 các ủy viên và bỏ phiếu. Các kiến nghị của Ủy ban được gửi bằng văn bản tới quốc gia ven biển đã đưa đơn yêu cầu cũng như cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Theo quy định của Ủy ban, ngày 13/5/2009 các quốc gia tham gia Công ước trước ngày 13/5/1999 phải nộp Báo cáo quốc gia cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Nếu sau thời hạn 10 năm như quy định của Công ước về luật biển 1982 mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (Báo cáo đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có nhu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý.

Đến ngày 13/5/2009, đã có 50 Báo cáo quốc gia được chính thức đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Ngoài ra, đã có 44 quốc gia nộp Báo cáo các thông tin sơ bộ về thềm lục địa của mình, đồng thời đăng ký trong thời gian nhất định sẽ hoàn thành Báo cáo để trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Tính đến ngày 29/4/2011, đã có 56 Báo cáo chính thức được gửi đến Ủy ban ranh giới thềm lục địa.

Từ năm 2002 đến năm 2009, Việt Nam đã tiến hành xây dựng Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa lớn hơn 200 hải lý gồm 3 khu vực là: khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia). Trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam. Ngày 06/5/2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Malaysia nộp Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia. Ngày 07/5/2009, Phái đoàn Việt Nam đã nộp Báo cáo của Việt Nam khu vực phía Bắc, bảo đảm đúng thời hạn quy định là ngày 13/5/2009. Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình bày Báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày Báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa.

4. Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề giải quyết phân định các vùng biển

a. Tình hình tranh chấp biên giới biển, đảo

Trước diễn biến tình hình thế giới hiện nay và đặc biệt là vấn đề về biển, đảo trong khu vực Biển Đông, Đảng ta đã xác định: “Tình hình Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp. Việc giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, bảo vệ vững chắc Trường Sa, Hoàng Sa cũng như các quyền lợi, chủ quyền của nước ta trên biển là một nhiệm vụ trọng yếu, là một trong những địa bàn chiến lược của quốc phòng, an ninh”.

Tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hiện nay xuất phát từ những lí do cơ bản sau đây:

Một là, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn coi châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Đông Nam Á là một trọng điểm chiến lược. Thời gian gần đây chúng càng tăng cường lực lượng quân sự ở các nước trong khu vực, phối hợp tiến hành các cuộc tập trận hải quân song phương, đa phương với mật độ ngày càng tăng; triển khai và hoàn thành hệ thống thiết bị chiến trường, cầu cảng, kho tàng… đồng thời ra sức lôi kéo một số nước tạo thành liên minh quân sự để chống phá cách mạng nước ta;

Hai là, một số nước thể hiện ý đồ chiến lược, âm mưu “thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông”. Họ ra sức đẩy mạnh các hoạt động tuần tiễu, trinh sát thăm dò, khảo sát và khai thác tài nguyên, vi phạm quyền tài phán quốc gia của Việt Nam bằng các hình thức ngày càng tinh vi hơn.

Trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, Trung Quốc đã công bố bản đồ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình tại Biển Đông năm 2005, nơi xa nhất cách đường cơ sở của Trung Quốc hơn 900 hải lý, nơi gần bờ biển Việt Nam nhất chỉ cách bờ có 50 hải lý (khoảng 90km). Đây là một tuyên bố bất công bằng nhất, hoàn toàn trái ngược với các quy định của Công ước về luật biển 1982. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng gặp nhiều khó khăn và chưa có hướng giải quyết vì Trung Quốc áp dụng chính sách ba không, đó là: nói không với quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; nói không với đối thoại đa phương; và nói không với bất kỳ cơ quan thứ ba nào can dự giải quyết vấn đề Biển Đông.

Việc Trung Quốc Tuyên bố về “đường yêu sách lưỡi bò” không chỉ gây lo ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực Biển Đông, trực tiếp xâm phạm đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm nguyên tắc tự do hải vận đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, các nước có liên quan đến khu vực Biển Đông đều tăng cường lực lượng quân sự, củng cố vững chắc các vùng biển đảo đã chiếm đóng làm cho tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng và phức tạp thêm.

Trong những năm tới, Đảng ta đã nhận định tình hình Biển Đông còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trên hướng Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định và khả năng xuất hiện những động thái mới trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; đặc biệt là tham vọng độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa và giành giật “biên giới mềm” của một số nước lớn bằng cách tăng cường hoạt động quân sự, ngoại giao, leo thang về yêu sách chủ quyền. Các loại tội phạm, xâm phạm trái phép, buôn lậu ma túy, chất nổ… trên biển, đảo ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.

Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và quản lý tình hình an ninh biên giới biển, đảo hiện nay đang đặt ra nhiệm vụ mới nặng nề hơn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc ta.

b. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết phân định các vùng biển

Vấn đề hoạch định đường biên giới biển và phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với các quốc gia láng giềng là một vấn đề hết sức quan trọng và thiêng liêng vì nó liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia. Đồng thời đây cũng là một vấn đề hết sức mới mẻ, phức tạp và khó khăn. Một nước không thể áp đặt ý chí đơn phương của mình về biên giới biển cho một nước láng giềng khác trái với pháp luật và thực tiễn quốc tế. Việc vạch đường biên giới trên biển giữa các nước láng giềng đòi hỏi phải áp dụng chặt chẽ pháp luật, thực tiễn quốc tế trong một điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên cụ thể, mỗi nước phải bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của mình nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận.

Tại Điều 7 Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiến giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã khẳng định: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.

Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước về luật biển 1982 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23/6/1994, đã nêu rõ:

“Chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác có liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển 1982…”

Như vậy, quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với việc hoạch định phân chia các vùng biển trong vùng chồng lấn với các nước lánh giềng là: Thông qua thương lượng hòa bình, bình đẳng và trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực tiễn của mỗi nước nhằm tìm ra một giải pháp công bằng cho các bên liên quan.

5. Phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia trong Biển Đông

Theo các định chế đã được ghi nhận tại Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Việt Nam có toàn quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo nội dung của Công ước. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông. Điều đó đã được khẳng định trong các văn bản sau đây: Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977 về vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ngày 12/11/1982; và Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Phê chuẩn Công ước về luật biển 1982. Nội dung các văn bản này đã nhấn mạnh rằng: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.

Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề phân định các vùng biển và thềm lục địa với các nước trong khu vực. Đến nay, Việt Nam đã ký kết: Hiệp định về vùng nước lịch sử với Campuchia 07/7/1982; Bản thỏa thuận (Memorandum of Understanding) về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa với Malaysia 05/6/1992; Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan 09/8/1997; Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 25/12/2000; Phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 15/6/2004; Hiệp định thoả thuận đường ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia 26/6/2003.

a. Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia

Vùng biển Việt Nam – Campuchia nằm trong vịnh Thái Lan, là phần phía Tây của biển Đông, tạo thành một vùng lõm rộng trên bờ biển phía Nam của lục địa Đông Dương. Vùng biển Việt Nam – Campuchia là một biển nửa kín có diện tích khoảng 300.000km2, được giới hạn bởi bờ biển của bốn quốc gia: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Vịnh thông ra Biển Đông, có chiều dài khoảng 450 hải lý và chiều rộng trung bình khoảng 208 hải lý. Vịnh có diện tích nhỏ và có khoảng 200 đảo chủ yếu tập trung vào phần phía Đông và gần bờ biển. Đó chính là yếu tố làm phức tạp thêm việc phân định ranh giới các vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia cũng như việc phân định biển giữa một bên là Việt Nam – Campuchia với Thái Lan.

Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia là một việc làm phức tạp do hai nước có quan điểm khác nhau về đường biên giới biển; bên cạnh đó Campuchia muốn hoàn tất trước việc phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với Việt Nam rồi sau đó mới đàm phán giải quyết biên giới trên biển.

Việt Nam và Campuchia đã ký kết Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước ngày 07/7/1982, trong đó đã thoả thuận lấy đường Brévié[22] được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này và sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới trên biển giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát lên thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước nhưng đồng thời cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới trên biển.

Như vậy, từ đầu thế kỷ XVIII cho đến trước năm 1939, toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia đều thuộc chủ quyền của Việt Nam (xét cả về yếu tố lịch sử và pháp lý). Từ năm 1939, Campuchia mới chính thức quản lý về mặt hành chính và cảnh sát các đảo ở phía Bắc đường Brévié. Tuy nhiên, chính quyền Nam Kỳ và sau đó là chính quyền Sài Gòn không chấp nhận vì cho rằng các đảo Wai, Phú Dự, Tiên Mối và nhóm Bắc Hải Tặc là các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Năm 1956, Campuchia đưa quân ra chiếm đảo Phú Dự, chiếm nhóm đảo Bắc Hải Tặc năm 1958 và đảo Wai năm 1966.

Năm 1957, Campuchia ra Sắc lệnh quy định đường cơ sở thẳng là đường nối liền các điểm chuẩn trên đất liền và các đảo ven bờ của Campuchia và quy định lãnh hải của Campuchia là 5 hải lý. Sắc lệnh cũng quy định ranh giới trên biển với các quốc gia liền kề là đường vuông góc với đường cơ sở kéo ra biển 5 hải lý (đối với Việt Nam, đường này còn lệch về phía Việt Nam hơn so với đường Brévié), ranh giới ngoài thềm lục địa của Campuchia là đường đẳng sâu 50m. Năm 1972, chính quyền Lonnol ra Sắc lệnh về ranh giới thềm lục địa (số 439-72/PRK, ngày 01/7/1972) và Sắc lệnh về quy định hệ thống đường cơ sở và lãnh hải của Campuchia (số 518-72/PKR, ngày 12/8/1972) đã quy thuộc các đảo Phú Quốc và Thổ Chu của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia.

Năm 1976, chính quyền Campuchia nêu yêu sách lấy đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước vì Campuchia cho rằng đường này đã được sử dụng như đường biên giới trong gần 40 năm qua. Sau đó Việt Nam đã chính thức trao lại đảo Wai cho Campuchia. Ngày 31/7/1982, Campuchia đã ra tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng, trong đó bao gồm cả các đảo nằm xa bờ như đảo Wai.

Như vậy, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia ngày 07/7/1982 đã giải quyết được một số các vấn đề đặc biệt quan trọng sau đây:

Một là, Hiệp định đã xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thuỷ chung của hai nước Việt Nam và Campuchia. Ngoài vùng nước này là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền riêng của mỗi nước. Quy định này đã tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để hai nước quản lý, bảo vệ các vùng biển của mình;

Hai là, hai bên đã thoả thuận lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này. Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát lên thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa Việt Nam và Campuchia nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới trên biển;

Ba là, hai bên sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định đường biên giới trên biển giữa hai nước trong và ngoài vùng nước lịch sử. Hai nước tiếp tục đàm phán để phân định đường biên giới trên biển Việt Nam và Campuchia bên trong và ngoài vùng nước lịch sử;

Bốn là, việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử sẽ do hai bên cùng tiến hành. Hai nước tăng cường các lực lượng tuần tra, kiểm soát, phối hợp trao đổi thường xuyên hơn giữa chính quyền địa phương của hai bên nhằm bảo đảm an ninh trật tự chung trong vùng nước lịch sử, tránh tình trạng mất an ninh, trật tự cũng như để xẩy ra các vụ bắt giữ bất hợp pháp tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên biển. Hai nước sẽ tiếp tục tổ chức tiến hành tuần tra chung trong vùng nước lịch sử theo thoả thuận giữa hai Bộ Quốc phòng;

Năm là, việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Nhân dân hai nước đều có quyền khai thác nguồn lợi hải sản một cách hợp pháp trong vùng nước lịch sử. Công dân của nước khác không được phép vào đánh bắt trong vùng nước này;

Sáu là, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, v.v… trong vùng nước lịch sử sẽ do hai bên cùng thoả thuận; khi không có thoả thuận thì không bên nào được đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng nước lịch sử.

HHình 6:  Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia

b. Thỏa thuận khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia

Giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng chồng lấn thềm lục địa rộng khoảng 2.800 km2. Đây là vùng chồng lấn thềm lục địa đã được hình thành bởi sự khác nhau giữa đường ranh giới thềm lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa thể hiện trên hải đồ của Malaysia công bố năm 1979, bởi khi công bố đường ranh giới thềm lục địa của mình, chính quyền Sài Gòn có tính đến đảo Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai cách bờ 6,5 hải lý) và các đảo của cả hai bên còn Malaysia chỉ tính đến các đảo ven bờ của mình mà bỏ qua đảo Hòn Khoai của Việt Nam.

Diện tích khu vực chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia không lớn nhưng lại có tiềm năng lớn về dầu khí. Để đáp ứng nhu cầu chung là khai thác dầu khí phục vụ phát triển của hai nhà nước trong diện tích vùng chống lấn, Việt Nam và Malaysia đã đàm phán và ký kết Bản thỏa thuận (Memorandum of Understanding) về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn ngày 05/6/1992 tại Kuala Lampua. Bản thỏa thuận (Memorandum of Understanding) có các nội dung cơ bản sau đây:

Một là, hai bên chính thức xác nhận tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa do Tổng cục Dầu khí Việt Nam công bố năm 1977 (trùng với yêu sách thềm lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971) và đường ranh giới thềm lục địa thể hiện trên hải đồ của Malaysia công bố năm 1979;

Hai là, hai bên đồng ý tạm gác vấn đề phân định thềm lục địa để hợp tác tay đôi về thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực xác định này theo các nguyên tắc: chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia đồng đều lợi nhuận; các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ được Petronas (Malaysia) và PetroVietnam (Việt Nam) tiến hành trên cơ sở dàn xếp thương mại sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn; thỏa thuận này không làm phương hại tới lập trường cũng như đòi hỏi của mỗi bên đối với khu vực chồng lấn;

Ba là, nếu mỏ dầu khí có một phần nằm vắt ngang sang khu vực xác định và một phần nằm bên thềm lục địa của Malaysia hoặc Việt Nam thì hai bên sẽ thỏa thuận để thăm dò khai thác.

Sau khi Thỏa thuận có hiệu lực, hai công ty dầu khí quốc gia của hai nước đã ký kết các dàn xếp thương mại và triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong khu vực chồng lấn giữa hai nước. Từ năm 1997 đến nay, những thùng dầu đầu tiên được khai thác từ vùng chồng lấn đã được xuất khẩu, lợi nhuận bắt đầu được chia đều cho hai bên theo đúng thỏa thuận và hiện nay các giếng dầu trong vùng khai thác chung này vẫn đang tiếp tục hoạt động có hiệu quả.

Như vậy, từ sau khi Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt các định chế của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 cũng như thực tiễn quốc tế để có thể cùng các nước có liên quan tìm đến một giải pháp phù hợp cho các vùng biển chồng lấn. Các điều ước quốc tế nói chung và các hiệp định phân định biển nói riêng mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trong khu vực Biển Đông đã thể hiện thiện chí của nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế khu vực dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng và các bên cùng có lợi. Các điều ước đó đã góp phần không nhỏ vào việc phòng ngừa xung đột, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới.

Hình 7: Vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia
 
Hình 8: Vùng khai thác chung giữa Việt Nam với Malaysia và Thái lan

c. Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan

Vịnh Thái Lan (Vịnh Xiêm) là một vùng biển nửa kín với diện tích khoảng 300.000km2, được giới hạn bởi bờ biển của 4 quốc gia: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Vịnh Thái Lan thông ra Biển Đông, dài khoảng 450 hải lý và có chiều rộng trung bình là 208 hải lý. Vịnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam về an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Trong Vịnh có một số đảo quan trọng của hai nước như đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu của Việt Nam, hoặc đảo Ko Phangun, Ko Samui của Thái Lan….

Chính quyền Sài Gòn đã công bố Nghị định về phân lô thăm dò và khai thác dầu khí vào năm 1971, đồng thời đã xác định ranh giới ngoài thềm lục địa phía Nam Việt Nam theo đường trung tuyến giữa bờ biển và các đảo xa bờ của Việt Nam (Thổ Chu và Wai[23]) với bờ biển của Malaysia và Thái Lan. Năm 1973, Thái Lan ra tuyên bố về ranh giới thềm lục địa của Thái Lan là đường trung tuyến giữa bờ biển và các đảo ven bờ của Thái Lan với bờ biển và đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Như vậy, hai tuyên bố về thềm lục địa của Việt Nam và Thái Lan đã tạo thành một vùng chồng lấn cần được phân định trong Vịnh Thái Lan rộng hơn 6.000km2.

Từ tháng 9 năm 1992 đến tháng 8 năm 1997, Việt Nam và Thái Lan đã tiến hành 9 vòng đàm phán và thống nhất phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước bằng một đường ranh giới duy nhất đã ký kết Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam – Thái Lan ngày 09/8/1997 tại Băng Cốc. Hiệp định phân định biển đầu tiên của Việt Nam với Thái Lan gồm có các nội dung chính sau đây:

Một là, đường phân chia thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước Việt  Nam và Thái Lan trong Vịnh Thái Lan là một đường thẳng từ điểm C tới điểm K. Trong đó, điểm C là điểm nhô ra nhất về phía Bắc của khu vực phát triển chung giữa Thái Lan và Malaysia đã được xác định trong Bản ghi nhớ giữa 2 nước ngày 21/02/1979 và trùng với điểm 43 của đường yêu sách thềm lục địa Malaysia năm 1979; còn điểm K là điểm nằm trên đường thẳng cách đều đảo Thổ Chu và đảo Wai của Campuchia. Đây là đường “dàn xếp tạm thời” giữa Việt Nam và Campuchia năm 1991. Với kết quả này, Việt Nam được hưởng 1/3 diện tích và Thái Lan được hưởng 2/3 diện tích vùng chồng lấn. Đây là kết quả phân định công bằng mà hai Bên đã áp dụng phương pháp đường trung tuyến có tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong phân định như các yếu tố địa lý tự nhiên, nguồn tài nguyên, sự hiện diện của các đảo trong khu vực; đặc biệt, đảo Thổ Chu của Việt Nam là đảo xa bờ (cách đảo Phú Quốc 55 hải lý), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực trong phân định (được hưởng 32,5% hiệu lực trong phân định). Kết quả phân định thể hiện sự nỗ lực, thiện chí và sự nhân nhượng của hai Bên để đi đến một giải pháp công bằng. 

 Hai là, trong trường hợp có cấu trúc dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang đường ranh giới giữa hai nước thì hai bên có trách nhiệm trao đổi thông tin, cùng tìm kiếm thỏa thuận sao cho các cấu trúc hoặc mỏ này được khai thác một cách hiệu quả nhất và chi phí cũng như lợi tức từ việc khai thác sẽ được phân chia một cách công bằng;

Ba là, hai bên cam kết sẽ tiến hành đàm phán với Malaysia về khu vực yêu sách thềm lục địa chồng lấn giữa ba nước, nằm trong vùng phát triển chung Thái Lan – Malaysia

Hình 9: Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan

 Hình 10: Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan

Hình 11: Bản đồ Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan

d. Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt Nam và Trung Quốc có diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763km, còn phía Trung Quốc khoảng 695km[24]. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt trong đó có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc phòng.Đặc thù của Vịnh là chiều ngang tương đối hẹp. Theo Công ước về luật biển năm 1982, Vịnh Bắc Bộ là vùng chồng lấn và trong thực tế thời gian qua có tranh chấp, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước.

Trước tình hình đó, hai nước đều có nhu cầu tiến hành đàm phán để phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm đạt hai mục tiêu cơ bản và lâu dài:

Một là, xác định đường phân giới cụ thể, phân chia các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc;

Hai là, giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Ngoài ý nghĩa về an ninh, quốc phòng, Vịnh Bắc Bộ còn có ý nghĩa lớn về kinh tế do có nguồn lợi hải sản phong phú. Hai nước đều có nhu cầu hợp tác đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh. Việt Nam và Trung Quốc đã ký các thỏa thuận vào các năm 1957, 1961 và 1963 (các thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào những năm 70) cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong Vịnh ngoài phạm vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải đảo mỗi bên. Để giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000, Trung Quốc kiên trì quan điểm giải quyết hai việc đồng thời là: đề nghị lập vùng đánh cá chung và phân định Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cho rằng vấn đề nghề cá mang tính kinh tế, kỹ thuật không gắn với vấn đề phân định quốc giới mang tính chiến lược lâu dài. Như vậy, nếu không giải quyết được vấn đề nghề cá thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000 và khi đó toàn bộ Vịnh sẽ tiếp tục bị coi là vùng chồng lấn giữa hai bên, sẽ tiếp tục mất ổn định.

Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước về luật biển 1982. Để tạo thuận lợi tối đa cho việc giải quyết vấn đề phân định và trên cơ sở cân nhắc kỹ mọi khía cạnh trong quan hệ hai nước cũng như thực tiễn quốc tế, Việt Nam đã đồng ý lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ. Việc đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tiến hành từ đầu những năm 70, nhưng do điều kiện lúc đó nên đàm phán không có kết quả. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai bên đã quyết định thương lượng để giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ.

Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới – lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19/10/1993, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là: “Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”. Thực hiện Thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên[25].

Trong quá trình đàm phán, hai bên đã áp dụng các nguyên tắc sau đây:

Một là, căn cứ vào các quy định của Công ước về luật biển 1982, cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế quan trọng. Ví dụ như Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945; Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế năm 1970; Kết luận của Hội nghị Henxki về an ninh và hợp tác châu Âu; điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế ….

Trên cơ sở đó, hai bên đã tiến hành phân định Vịnh Bắc Bộ với kết quả cụ thể như sau:

Về diện tíchtổng thể, Việt Nam được 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc là 46,77% (Việt Nam hơn Trung Quốc 6,46% tức là khoảng 8.205 km2), đường phân định cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, dành cho đảo này 25% hiệu lực trong phân định Vịnh (đảo Bạch Long Vĩ nằm gần giữa Vịnh, tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực trong phân định). Đảo Cồn Cỏ của Việt Nam là một đảo nằm gần bờ biển của Việt Nam (cách bờ biển Việt Nam 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế tại đường đóng cửa Vịnh.  

Vềkhíacạnhtàinguyên, giảipháp phân định đạt được đã bảo đảm việcphân chialợi ích mộtcách côngbằng. Hai bên đã phân chia rõ ràng phần thềm lục địa để mỗi bên đều có thể tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên trong phạm vi thềm lục địa của mỗi nước mà không bị bên kia can thiệp hoặc gây khó khăn. Trong trường hợp mỏ có cấu tạo vắt qua đường phân định thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc khai thác và phân chia lợi ích của việc khai thác đó.

Cuộc đàm phán về nghề cá được khởi động muộn hơn. Cho mãi đến tháng 04 năm 2000, Việt Nam mới đồng ý đàm phán nghề cá. Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 200 Bắc xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Như vậy, vùng đánh cá chung cách bờ của mỗi nước khoảng 30 hải lý; phần lớn vùng đánh cá chung cách bờ của Việt Nam trung bình từ 35-59 hải lý, trong đó có 2 điểm cách bờ 28 hải lý. Thời hạn của vùng đánh cá chung hai bên thỏa thuận là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn).

Hai bên cũng đã thỏa thuận các điều khoản liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh, đồng thời thỏa thuận ba nguyên tắc lớn của vùng đánh cá chung như sau:

Một là, vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung;

Hai là, sản lượng và số tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung dựa trên cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ;

Ba là, mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ 3 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hai bên thỏa thuận lập Ủy ban liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế liên quan đến vùng đánh cá chung. Ngoài vùng đánh cá chung, hai bên còn thỏa thuận về dàn xếp quá độ với thời hạn 4 năm ở phía Bắc vĩ tuyến 20 cho tàu thuyền của hai bên tiếp tục được đánh bắt cá. Phạm vi cụ thể của vùng này hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. Sau thời hạn quá độ, tàu thuyền của các bên về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, trừ khi được bên kia cho phép. Đồng thời, hai bên cũng thỏa thuận lập một vùng đệm nhỏ ở ngoài cửa sông Bắc Luân với mục đích tạo thuận lợi cho việc ra vào của các tàu cá nhỏ (nếu phát hiện các tàu đó đánh cá thì cảnh cáo và buộc rời khỏi vùng nước của mình). Vùng này dài 10 hải lý và tính từ đường phân định rộng 3 hải lý về mỗi bên.

Về tổng thể, các giải pháp đạt được trong quá trình đàm phán và được thể hiện trong hai bản Hiệp định đã đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên. Các Hiệp định đó là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài, thể hiện nỗ lực, thiện chí và tính đến sự quan tâm, nhân nhượng từ cả hai phía. Đối với Việt Nam, việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 sau khi ký Hiệp định về biên giới trên đất liền năm 1999 có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó, nước ta đã đạt được mục tiêu là giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới – lãnh thổ tồn đọng lâu nay giữa hai nước. Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ; thực hiện mục tiêu là xây dựng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hai nước. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã xác định trọn vẹn đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hiệp định đã ghi nhận cam kết của hai bên là tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên trong phạm vi các vùng biển của mình. Hiệp định cũng đã định trước cách thức giải quyết lợi ích khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ tài nguyên khoáng sản nằm trong Vịnh.

Như vậy, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam ký kết với Trung Quốc là Hiệp định phân định biển thứ hai của Việt Nam, sau Hiệp định phân định các vùng biển đầu tiên đã được ký kết giữa Việt Nam và Thái Lan năm 1997. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã có một giải pháp và kết quả phân định công bằng, có cơ sở pháp lý phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh khách quạn trong Vịnh, đáp ứng được lợi ích của mỗi Bên. Hiệp định đã xác định trọn vẹn đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc, phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước trong Vịnh, tạo khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước trong bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển trong Vịnh; đồng thời, tạo điều kiện cho hai Bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững, duy trì sự ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước.

 
Hình12:Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc
Hình13: Vùng đánh cá chungVịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

e. Vềphân địnhranhgiớithềmlục địagiữaViệtNamvà Indonesia

Việt Nam và Indonesia có vùng biển và thềm lục địa chồng lấn nằm phía Đông Nam Việt Nam và Tây Bắc đảo lớn Borneo của Indonesia. Trong khu vực này, Côn Đảo là đảo xa bờ nhất của Việt Nam, đảo cách bờ biển khoảng 90km. Indonesia là một quốc gia quần đảo, với hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ nằm rải rác trên một vùng biển rộng lớn. Đảo xa bờ nhất của Indonesia trong khu vực nằm đối diện với Việt Nam là đảo Natuna Bắc, cách đảo lớn Borneo của Indonesia khoảng 320km về hướng Tây Bắc.

Năm 1969, Indonesia đã ra tuyên bố về ranh giới thềm lục địa dựạ trên nguyên tắc không vượt quá đường trung tuyến cách đều đường cơ sở quần đảo của Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia láng giềng.

Năm 1971, chính quyền Sài Gòn đã vạch ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam mà theo đó ranh giới biển giữa Việt Nam và Indonesia là đường cách đều bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Borneo của Indonesia.

Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam đã xác định thềm lục địa của Việt Nam là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của Việt Nam ra đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam công bố hệ thống đường cơ sở của phần lãnh thổ lục địa Việt Nam. Theo đó, đảo Côn Đảo được sử dụng làm một điểm cơ sở đ vạch hệ thống đường cơ sở thẳng của Việt Nam.

Như vậy, Tuyên bố về ranh giới thềm lục địa của Indonesia năm 1969 và Tuyên bố của chính quyền Sài Gòn năm 1971 là có sự khác nhau. Vì vậy, năm 1972 hai bên đã tiến hành đàm phán đ phân định thềm lục địa. Indonesia đưa ra yêu sách đường trung tuyến giữa hai đường cơ sở (Indonesia sử dụng đường cơ sở quần đảo), thực chất là khoảng cách giữa đảo Natuna Bắc của Indonesia và Côn Đảo của Việt Nam (gọi là trung tuyến đảoảo). Chính quyền Sài Gòn đ nghị phân định theo đường trung tuyến giữa hai bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo lớn Borneo Bắc (Calimantan) của Indonesia (gọi là trung tuyến bờbờ). Hai đường trung tuyến này tạo thành vùng chồng lấn rộng khoảng 40.000km2. Do có sự khác nhau về yêu sách đường trung tuyến của mỗi bên nên việc đàm phán này đã không có kết quả.

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 6/1978 Việt Nam và Indonesia đã bắt đầu tiến hành đàm phán về phân định thềm lục địa. Vì hai quốc gia có đặc điểm về lãnh thổ khác nhau nên việc đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan về lãnh thổ (Việt Nam là lãnh thổ lục địa, còn Indonesia là quốc gia quần đảo), ngoài ra là cách áp dụng luật biển quốc tế của hai bên.

Như vậy, sau 25 năm đàm phán với 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 22 vòng họp cấp chuyên viên (10 vòng chính thức và 12 vòng không chính thức), 4 cuộc họp giữa 2 Trưởng đoàn đàm phán cấp chuyên viên, cuối cùng hai bên đã đi đến được một giải pháp chung là thiết lập đường ranh giới thềm lục địa giữa hai nước. Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định thoả thuận đường ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia[26] ngày 26/6/2003. Hiệp định này đã củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Đông Nam Á.

Hiệp định định thoả thuận đường ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia ngày 26/6/2003 gồm có các nội dung cơ bản sau đây:

Mộtlà, đường phân định được xác định bằng các đoạn thẳng nối tuần tự 6 điểm có tọa đ địa lý cụ thể. Hiệp định này chỉ phân định ranh giới thềm lục địa, không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào sẽ được ký trong tương lai về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước (đ.2);

Hailà, các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau nhằm phối hợp chính sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biểniều 3);

Balà, trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới nêu tại khoản 1 điều 1, các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thoả thuận về cách thức khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ nói trên và về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó (điều 4);

Bốnlà, mọi tranh chấp giữa các Bên ký kết nẩy sinh trong việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết một cách hoà bình thông qua hiệp thương hoặc đàm phániều 5) – hai nước chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Hình14:Phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia

Hình 15: Phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia
Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.