Vu khống, bẻ cong sự thật

Bài đăng trên Tạp chí nhân quyền Việt Nam -Tháng 5-2013

Hình ảnhHình ảnhHình ảnhHình ảnh

 

 

Ngày 18-4-2013 tại Thành phố Strasburg (Pháp), Quốc hội Liên minh Châu Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) đã thông qua cái gọi là Nghị quyết B7-0184 về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta không lạ lẫm gì về cách ra những nghị quyết của tổ chức này. Trước đây, ngày 25-1-2006 họ đã từng ra Nghị quyết 1481 kết tội chủ nghĩa cộng sản, lúc đó đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong khối EU. Nhiều người đã cho rằng Quốc hội Liên minh Châu Âu đã làm một việc sai trái và lố bịch. Tổng thống Nga Putin gọi đây là một “mưu toan viết lại lịch sử”, nhằm xóa bỏ công lao của nước Nga Xô viết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Họ đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng như là chủ nghĩa phát xít. Đây là một âm mưu tội lỗi và nguy hiểm, muốn gây rối về an ninh cho nhiều nước. Những tổ chức, cá nhân có lương tri đã kêu gọi cần phải vạch trần âm mưu này để mọi người cảnh giác với sự lừa đảo trắng đen của một số các nhân vật cực hữu trong Quốc hội Liên minh Châu Âu. Nhóm cực hữu của tổ chức này muốn dùng những thứ đã quá lỗi thời như bôi xấu Cộng sản cốt để che giấu những mầm mống phát xít đang nảy nở và bị cánh tả lên án mạnh mẽ.

Quốc hội Liên minh Châu Âu liệu có công tâm, khách quan khi thông qua Nghị quyết B7-0184 đối với Việt Nam không? Tôi khẳng định là không. Vì phái cánh hữu cực đoan luôn “chiều chuộng” các tổ chức, hội đoàn và những nhân vật có bề dày thành tích chống phá Việt Nam như: Ủy ban Bảo vệ Nhà báo quốc tế (CPJ), Tổ chức Nhà báo không biên giới (RFS), Democracy Digest – trang tin ủng hộ dân chủ thuộc Quỹ quốc gia vì dân chủ Mỹ (National Endowment for Democracy – NED) được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Người viết bản “Phúc trình” kêu gọi gây sức ép với Việt Nam toàn một giọng chụp mũ và đầy mâu thuẫn. Điều này không lạ vì xuất xứ của nó là từ cái ổ phản động người Việt lĩnh lương của NED để chống phá Việt Nam mà Võ Văn Ái cầm đầu. Võ Văn Ái tự phong mình là Chủ tịch của cái gọi là “Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam” nói trước Quốc hội Hoa Kỳ: “Đã đến lúc Hoa Kỳ và Châu Âu lột mặt nạ của Hà Nội về các vi phạm quyền con người’.

Đây thuộc về cái tâm của một số dân biểu trong nhóm cực hữu của Hội đồng EU. Cái tâm không trong sáng, đầy thù hận với những quốc gia Cộng sản, với Việt Nam thì điểm nhìn và cách nhìn của những người đó chắc chắn bị lệch lạc. Ở đây, không phải là sự ngộ nhận mà là ý đồ cố tình xuyên tạc. Ngộ nhận thì khác. Có thể người ta có cái tâm trong sáng, nhưng những thông tin đến với người ta bị sai lệch cho nên rất dễ làm cho người ta đi đến nhận định không đúng. Một khi thông tin đã được điều chỉnh, được đính chính thì người ta có thể dễ dàng thay đổi lại nhận định. Hoặc, cũng đối với một số người vốn có cái tâm trong sáng, khi nghiên cứu, nhìn nhận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, do phương pháp không đúng thì cũng có thể đánh giá về Việt Nam bị sai lệch. Cũng như trường hợp ngộ nhận, nếu được thay đổi phương pháp nghiên cứu cho phù hợp, nhìn nhận vấn đề khách quan hơn thì nhận định sẽ được điều chỉnh cho đúng đắn hơn.

Nghị quyết B7-0184 vừa nói của Quốc hội Liên minh Châu Âu căn cứ vào những nhận định, báo cáo về nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua mà họ đã nêu ra 12 điểm, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở đây có đầy rẫy những sai sót, vu khống, áp đặt, trịch thượng đối với một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên Hợp quốc. Chúng ta có quyền bác bỏ về tính trung thực của nghị quyết đó. Với những thông tin lệch lạc, đưa ra một cái nhìn bị bóp méo và những nhận định sai trái về thực tế tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Vậy thì dựa vào đâu mà họ đưa ra những nhận định, phán quyết về nhân quyền ở Việt Nam một cách bừa bãi như vậy? Hay đây là “đòn phủ đầu” như họ đã làm trước đây mỗi khi có cuộc gặp trao đổi thường niên giữa Việt Nam và EU? Chiếu theo Hiệp định Hợp tác và Đối tác giữa EU và Việt Nam ký ngày 27-6-2012 và các cuộc đối thoại nhân quyền tổ chức hai lần một năm giữa EU và Chính phủ Việt Nam thì đối thoại được hiểu là bàn bạc, thương lượng gữa hai bên hay nhiều bên với nhau và gắn với các các vấn đề tranh cãi một số quan điểm không giống nhau nhưng chưa được giải quyết để đi đến sự thống nhất. Vì vậy việc thông qua đối thoại nhằm thu thập và cũng cố những thông tin có giá trị chứng cứ cụ thể để xác định sự thật như: Nguyên nhân, điều kiện phát sinh đối kháng, trách nhiệm từng bên, ai đúng, ai sai… Những thông tin là kết quả của đối thoại đó giúp cho người và tổ chức có thẩm quyền có được những quyết định đúng đắn trong việc giải quyết những bất đồng đó. Ấy vậy mà họ đã không dựa vào nguồn thông tin chính trực mà hùa theo cái được gọi là “Phúc trình” của một số nhân vật người Việt ở hải ngoại mà từ trước đến nay trong tâm trí đã có những định kiến thâm thù với chế độ Cộng sản. Đã như vậy thì một số người này sẵn sàng bóp méo thông tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, thể hiện ra bằng những lời lẽ hằn học, đánh tráo sự thật nhằm đạt được mục đích đem tối của họ.

Trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lãnh vực bảo đảm quyền con người, được dư luận thế giới, các tổ chức quốc tế công nhận. Giữa Việt Nam và EU cũng đã đạt được thỏa thuận về tổ chức đối thoại về quyền con người hai lần trong một năm, tạo cơ sở để hai bên đi tới đồng thuận về giá trị nhân quyền. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết mới của Nghị viện châu Âu về nhân quyền ở Việt Nam đã đi ngược lại xu thế đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa Việt Nam và các cơ chế của EU trong lĩnh vực quyền con người. Đại sứ Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen, người có tám năm làm Phó Đại sứ EU ở Trung Quốc và trước đó có năm năm làm việc ở Nhật Bản, nói: “Nhận thấy sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực – Giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam – tôi có thể thấy nhiều điểm chung của vùng Đông Á. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi tới Việt Nam và thấy rằng Việt Nam rất đặc biệt, có lẽ vì lý do lịch sử và bản sắc văn hóa”. Với nhận định thẳng thắn và sâu sắc đó, theo tôi nhận định đó là điều xác đáng, nó cũng nói lên sự khác nhau trong quan niệm về nhân quyền của mỗi quốc gia với những đặc thù riêng. Quan niệm về nhân quyền không phải là kiểu nhân bản vô tính của “Cừu dolly”.

Ngày 20-4-2013, Đài VOA Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn hai vị dân biểu thuộc hai chính đảng lớn nhất của Quốc hội Châu Âu: Bà Ana Gomes thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ, Quốc hội Châu Âu (S&D) và ông Bernt Posselt thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP). Chẳng hạn như điểm (5) trong Nghị quyết nói về tôn giáo bị bắt bớ, đàn áp, thì chẳng lẽ 14 bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79, Bộ luật Hình sự” lại được Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu liệt vào diện “14 nhà hoạt động dân chủ” bị kết án tù do “thực hiện quyền tự do thể hiện quan điểm”?. Thể hiện quan điểm kiểu gì khi mà có bằng chứng rõ ràng cho thấy các bị cáo đã tham gia các khóa huấn luyện đấu tranh lật đổ do tổ chức khủng bố Việt Tân tổ chức ở Thái Lan, Campuchia, Philippines và Mỹ từ năm 2010 mà các bị cáo này đã khai và nhận tội trước tòa? Không những thế bà Ana Gomes còn nói: “Họ đừng quên rằng Quốc hội Châu Âu và toàn thể nhân dân Châu Âu hậu thuẫn họ”?. Vậy thì Quốc hội Châu Âu và toàn thể nhân dân Châu Âu đang ủng hộ cho những tổ chức khủng bố hay sao? Dân biểu Bernt Posselt trả lời vì sao ông đồng bảo trợ cho Nghị Quyết về Việt Nam thì nói rằng: “Theo quan điểm của tôi, điều tuyệt đối rõ ràng Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm tồi tệ nhất thế giới về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”!. Vậy thì xin hỏi những người xưng danh “tranh đấu cho tôn giáo” có phải mục tiêu vì sự duy trì phát triển Đạo pháp không? Tự do tôn giáo như thế nào, tự do tôn giáo của vài cá nhân hay của tập thể, và phát triển Đạo pháp nào, Đạo pháp chống đối hay Đạo pháp chuyển hóa? Tôi chắc một điều là các vị sẽ lôi ra một mớ lý luận kiểu “bần cùng sinh đạo tặc”, kiểu nói càn, nói xiên, tất cả đều trút hết vào luận điểm “Cộng sản vô thần”.

Tòa án xét xử họ với tư cách công dân, không phải với tư cách tín đồ. Những ai đang sử dụng chiêu bài “tự do tôn giáo” để phê phán Việt Nam phải hiểu rằng: Trong xã hội Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Dù là người theo tôn giáo hay là người không theo tôn giáo, dù là người đa số hay là người dân tộc thiểu số, dù là người có cương vị trong xã hội hay là người dân bình thường thì cũng đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, và nếu vi phạm pháp luật thì cũng đều bị luật pháp trừng trị. Hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là hành động của những kẻ “tà đạo”, làm ô danh giáo hội, làm vẩn đục tôn giáo. Nếu Nhà nước Việt Nam thực hiện chế tài pháp luật đối với những kẻ có hành động đó, thì không phải là sự vi phạm tự do tôn giáo như họ cố tình xuyên tạc và cố xếp Việt Nam là một nước “tồi tệ nhất về vị phạm tự do tôn giáo” và cần “đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”.

Những năm gần đây ở Việt Nam, trong khi Nhà nước luôn khẳng định và tạo điều kiện để thực hiện quyền tự do tôn giáo, trong khi phần lớn công dân theo tôn giáo đang cố gắng sống “tốt đời, đẹp đạo” thì một số người lại lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để phục vụ mưu toan chính trị. Trong khi Giáo hoàng Benedict XVI nói: “Ðừng chính trị hóa tôn giáo” và nhân Hội nghị toàn thể lần thứ X Liên hội đồng Giám mục châu Á (FABC) tại Xuân Lộc, Đồng Nai, Việt Nam, Hồng y Oswald Gracias – Tổng Thư ký FABC, đã khẳng định: “Giáo hội không muốn tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia nào cả… Vai trò của chúng tôi là tâm linh, là mục vụ” và ông cho rằng: “Mọi việc đang tiến triển rất tốt đối với Giáo hội Việt Nam” .

Tôn giáo thực sự là “chính giáo”, không bị ô danh, hoen ố bởi những hành động trái pháp luật và trái với đạo pháp… Đó là việc làm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân của một đất nước có chủ quyền. Cho nên, không vì thế mà cho rằng, Việt Nam là nước cần “đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”, vì đó là một sự đánh giá hồ đồ, thiếu thiện chí. Như vậy để nói rằng, trước khi phê phán, người ta cần tìm hiểu kỹ vấn đề, để có một cái nhìn khách quan.

Tiếp tục chính sách áp đặt, vu khống, bẻ cong sự thật, lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để kích động một số phần tử cơ hội, biến chất trong nước gây rối, tạo cơ hội gây bạo loạn, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, thì đó là sự can thiệp thô bạo, trắng trợn và nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Việt Nam – một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Những phán quyết của Quốc hội Liên minh Châu Âu đối với Việt Nam khi họ tự cho mình là “quan tòa”, “cảnh sát quốc tế” để phán xét nước khác là một việc làm sai trái không thể chấp nhận được. Các quốc gia, dân tộc đều có đặc điểm riêng về lịch sử, văn hóa, xã hội, truyền thống và bản sắc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau nên đều có quan niệm và tiêu chí về dân chủ, nhân quyền riêng của mình. Sử dụng chiêu bài “nhân quyền, tôn giáo” can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam đó chỉ là cái cớ trong chiến lược xóa bỏ hoàn toàn các nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới.¾

AMARI TX

Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.