Hạt Mầm Dân Chủ Có Thể Mọc Hay Không Phải Do Người Trồng

Bài của tác giả AMARI TX đăng tải trên tạp chí nhân quyền Việt Nam tháng 8-2013

 

Hình ảnh: TẠP CHÍ NHÂN QUYỀN THÁNG 8-2013

Hình ảnh

HẠT MẦM DÂN CHỦ CÓ THỂ MỌC HAY KHÔNG PHẢI DO NGƯỜI TRỒNG

KHÁNH SƠN

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi ngày 01-7-2013, cuộc khủng hoảng tại Ai Cập có xu hướng ngày càng trở nên trầm trọng và tình trạng chia rẽ chính trị ở nước này cũng trở nên ngày càng sâu sắc. Những diễn biến hiện nay ở Ai Cập không chỉ khiến tương lai quốc gia này thêm mù mịt và rối ren, mà nó còn kéo theo những hệ lụy cho khu vực. Chính biến tại Ai Cập một lần nữa khẳng định, một nền dân chủ như Mỹ và các nước phương Tây không phải khuôn mẫu cho tất cả các nước và càng không thể được sử dụng để áp đặt đối với các quốc gia có chủ quyền. Một nền dân chủ được sinh ra không dựa trên những điều kiện và nền tảng của chính xã hội ấy sẽ không có khả năng tồn tại vững chắc, và như vậy hậu quả tất yếu sẽ là sự bất ổn về chính trị.

Cũng giống như năm 2011, số phận của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã được định đoạt ngay từ đầu, khi quân đội phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không đứng về phía chính quyền. Vào thời điểm năm 2011, các tướng lĩnh đã để mặc cho Tổng thống Mubarak đối mặt với làn sóng phản đối. Sau đó, khi họ tỏ vẻ rằng tình hình đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quân đội đã buộc Tổng thống Mubarak lên một chiếc trực thăng bay tới Sharm el-Sheikh trước khi tuyên bố quyền kiểm soát thuộc về Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang.

Nhưng một năm sau khi Tổng thống Mubarak ra đi và vị Tổng thống dân bầu đầu tiên Morsi lên nắm quyền điều hành đất nước, người dân Ai Cập đã phải nếm trái đắng của hậu cách mạng. Ai Cập là một bức tranh màu xám với những bất cập của bản Hiến pháp mới gây chia rẽ sâu sắc, một nền kinh tế suy thoái, một nhà nước ngày càng rối loạn, một xã hội dân sự bị đe dọa, một chương trình nghị sự lập pháp gây quá nhiều phẫn nộ. Sự nghi kỵ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong nước đã khiến chính phủ non trẻ của Tổng thống Morsi gặp không ít khó khăn trong việc điều hành đất nước. Chưa kịp vận hành, Ai Cập đã phải tiến hành cải tổ nội các. Kinh tế chưa thể phục hồi, đời sống của người dân chưa thể được cải thiện âu cũng là điều dễ hiểu. Và đáng lo ngại hơn cả, đó là niềm tin bị sụp đổ kéo theo đất nước bị phân hóa hơn bao giờ hết trong khi các đảng phái và lực lượng ủng hộ của họ ngày càng tỏ ra cực đoan và không muốn thỏa hiệp. Những dòng người lại tiếp nối nhau đổ xuống đường. Và, như một sự trớ trêu của định mệnh, ngày 30-6-2013, ngày đánh dấu một năm Tổng thống Morsi nhậm chức, đã được các phe phái đối lập chọn là ngày “tổng khởi nghĩa”. Ngày 01-7-2013, quân đội Ai Cập đã ra tối hậu thư với Tổng thống Morsi và các chính đảng trong vòng 48 giờ phải “đáp ứng các yêu cầu của nhân dân” nếu không quân đội sẽ công bố lộ trình chính trị riêng cho Ai Cập và các biện pháp nhằm giám sát việc thực hiện lộ trình này. Chiều ngày 03-7, trên quảng trường Tahrir, tiếng hò reo của hàng chục ngàn người biểu tình rộ lên mỗi khi chiếc trực thăng quân đội tuần tiễu. “Quân với dân là một”, “quân đội đã bảo vệ an ninh quốc gia”, những người biểu tình hô vang. Tối ngày 03-7-2013, cả quảng trường vỡ òa trong tiếng hò reo và pháo hoa khi Tướng Abdel Fattah al-Sisi, Bộ trưởng Quốc phòng và là người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập tuyên bố Tổng thống bị phế truất, đình chỉ Hiến pháp và chỉ định một tổng thống lâm thời. Chánh án tòa Tối cao Ai Cập, ông Adly Mansour, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời ngày 04-7-2013. Ông cam kết sẽ ủng hộ các giá trị của cuộc cách mạng… Tất cả những hình ảnh này được tái hiện một cách chính xác những gì diễn ra trong cuộc cách mạng năm 2011, khi quân đội và đường phố Ai Cập cùng liên kết để lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, chỉ có một điểm khác biệt, nạn nhân lần này là Mohamed Morsi, Tổng thống dân bầu trực tiếp đầu tiên trong lịch sử Ai Cập.

Còn nhớ một năm trước, bao trùm đất nước Ai Cập là bầu không khí mới mẻ khi lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ sống trong chế độ cũ, người dân được tự do đến các điểm bỏ phiếu để bầu chọn một tổng thống dân sự đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của một chính phủ dân chủ. Vào thời điểm đó, “Mùa xuân Arab” tràn qua Trung Đông ­- Bắc Phi với chặng dừng chân tại Ai Cập được tung hô như một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ cũ và thổi luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước. Tổng tuyển cử được tổ chức sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất được coi là một thành quả của cái gọi là cuộc cách mạng đó. Và giờ đây, Ai Cập lại phải chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ quân đội và lực lượng ủng hộ ông Morsi diễn ra trên khắp các đường phố. Tổ chức Anh em Hồi giáo cáo buộc lực lượng an ninh đã bắn chết ít nhất 72 người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi trong ngày 27-7 vừa qua. Những người biểu tình đòi chính quyền quân sự trả tự do cho ông Morsi và phục chức cho nhà lãnh đạo bị phế truất này, tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình ngồi kéo dài nhiều tuần qua ở bên ngoài đền thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawia, phía Đông thủ đô Cairo, bất kể hành động trấn áp mạnh tay của lực lượng an ninh. Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời của Ai Cập Nabil Fahmy cảnh báo, tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc hiện nay cuối cùng cũng sẽ dẫn tới những bi kịch thảm khốc cho xứ sở kim tự tháp.

Nghiên cứu diễn biến ở Trung Đông – Bắc Phi thời gian qua cho thấy, Ai Cập luôn là trung tâm của làn sóng “Mùa xuân Arab” ngay cả khi làn sóng này khởi phát tại Tunisia. Với vị trí địa lý chiến lược, đường biên giới ổn định, dân số đông và lịch sử cổ đại giàu có, Ai Cập là sức mạnh chủ yếu của thế giới Arab suốt hàng thế kỷ qua. Đất nước Bắc Phi này có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành của những chuyển biến trong lịch sử khu vực mà không nước nào sánh được. Noha Bakr, giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo cho rằng, tình trạng hỗn loạn ở Ai Cập có ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt là Israel và dải Gaza. Giới chức Israel hiện như đang ngồi trên đống lửa trước những kịch bản khác nhau có thể xảy ra với Ai Cập trong tương lai gần. Các cuộc tấn công khủng bố trên bán đảo Sinai do các chiến binh thánh chiến Hồi giáo thực hiện nhằm gây áp lực với quân đội Ai Cập phục chức cho ông Morsi đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của nhà nước Do Thái. Các biện pháp nhằm duy trì an ninh tại bán đảo Sinai cũng làm ảnh hưởng đến lực lượng Hamas ở dải Gaza và đẩy khu vực này vào tình trạng bị cô lập hơn, do quân đội Ai Cập có thể đóng tất cả các đường hầm nối sang khu vực này và duy trì lệnh đóng cửa khẩu Rafah trong một thời gian dài. Ngay cả ở các nước láng giềng như Tunisia và Libya, nơi tổ chức Anh em Hồi giáo đang cầm quyền cũng cảm thấy bất an trước nguy cơ làn sóng bạo lực lan rộng, khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ám sát nhằm vào những nhân vật chống đối phe Hồi giáo ở Libya và Tunisia.

Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với xứ sở kim tự tháp? Ai Cập có tái diễn bi kịch của Algeria, khi quân đội hủy kế hoạch bầu cử để chặn đứng nguy cơ phe Hồi giáo giành lại quyền lực, dẫn tới cuộc nội chiến kéo dài 8 năm và cướp đi sinh mạng của 200.000 người, hay không? Phải chăng Ai Cập sẽ quay trở lại chế độ độc tài quân sự kéo dài hàng thập kỷ qua, khi quân đội bắt đầu nắm quyền từ những năm 1950? Hay đất nước này sẽ có một cái kết tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ với Chính phủ dân sự được giật dây bởi lực lượng quân sự đứng đằng sau? Cả ba kịch bản trên đều có thể xảy ra với Ai Cập, mặc dù khó có thể tiên đoán chính xác kịch bản nào sẽ trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh rối ren ở Ai Cập hiện nay, Mỹ có những giải pháp gì để đạt mục tiêu lý tưởng là dân chủ hóa Ai Cập trong thế giới Arab và mục tiêu thực tiễn là giữ Ai Cập trong khối thân Mỹ nhằm gìn giữ ổn định tại Trung Đông? Từ 30 năm nay, Mỹ đều đặn viện trợ trung bình mỗi năm 2 tỉ USD cho Ai Cập để bảo vệ trật tự Mỹ tại Trung Đông. Ngay sau khi Tổng thống Morsi bị phế truất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Nhà Trắng và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình tại Ai Cập. Một số nguồn tin cho biết, trước thời điểm quân đội Ai Cập đưa ra tối hậu thư thì Mỹ đã tìm cách can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại nước này nhằm cứu vãn tình thế cho Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo. Theo đó, Mỹ yêu cầu quân đội Ai Cập không đưa ra tối hậu thư 48 giờ cho chính quyền của Tổng thống Morsi, nếu không Washington có thể xem xét lại sự trợ giúp quân sự hàng năm lên tới 1,5 tỷ USD cho Ai Cập. Bất chấp cảnh báo này của Mỹ, chính biến vẫn diễn ra.

Có thể nói, ngay từ cuộc cách mạng năm 2011, Chính quyền Mỹ đã không lường hết được tính phức tạp của tình hình ở các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi, trước hết bởi sự khác biệt về truyền thống văn hóa, quan hệ sắc tộc, tôn giáo, đặc điểm chính trị và cơ cấu quyền lực tại đây, do vậy họ đã không thể “nhồi nhét” được kiểu dân chủ Mỹ. Ngược dòng thời gian, xuất khẩu nền dân chủ kiểu Mỹ được tiến hành một cách mạnh mẽ, tích cực sau khi chiến tranh lạnh kết thúc nhằm mục đích chuyển hóa các nước Đông Âu và họ đã thành công. Trong rất nhiều trường hợp, xuất khẩu dân chủ thông qua diễn biến hòa bình không đem lại những kết quả như mong muốn, chính quyền Mỹ đã không ngần ngại sử dụng mọi biện pháp nhằm lật đổ chính phủ mà họ nhắm tới kể cả vũ lực. Chiến tranh tại Nam Tư cũ dưới cái gọi là “can thiệp nhân đạo”, chiến tranh ở Afghanistan năm 2001 với lý do chống khủng bố và cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 dưới cái vỏ bọc ngăn chặn Iraq sản xuất vũ khí hạt nhân là một ví dụ điển hình. Bằng sức mạnh của súng đạn, Mỹ và đồng minh đã thay đổi chính quyền tại các quốc gia này, tạo dựng một nền dân chủ theo khuôn mẫu Mỹ. Nhưng rõ ràng, dùng sức mạnh quân sự để áp đặt một “nền dân chủ” thì dễ, nhưng duy trì cái “nền dân chủ” ấy một cách bền vững không đơn giản chút nào. Chiến tranh tại Nam Tư cũ năm 1999 và ngay tiếp sau đó là cuộc cách mạng màu do Mỹ, NATO tiến hành và hỗ trợ đã tạo dựng lên một nền dân chủ với các lực lượng thân phương Tây nắm chính quyền tại đây, nhưng chỉ sau có một nhiệm kỳ, chính lực lượng này đã bị thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội do không giành được lòng tin của đa số cử tri. Còn tại Ukraine, lực lượng cách mạng cam đã bị tan vỡ do mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hòa, uy tín giảm sút, số phận của họ đang bị lung lay, nhưng đến nay dường như bị bỏ rơi, đến nỗi ngay cả tờ nhật báo Bưu điện Washington số ra ngày 27-5-2007 lên tiếng là “không còn thấy bóng dáng của cả NATO và Mỹ” tại quốc gia này. Ở Trung Đông – Bắc Phi, tất cả đều chung một mẫu số, đó là quốc gia này sẽ bị nhấn chìm trong một vòng xoáy bất ổn và có thể “rơi vào một đường hầm đen tối của nội chiến và xung đột bè phái”. Phải chăng đây là quyền con người của cái “nền dân chủ” mà Mỹ vẫn tôn thờ, hàng ngày rao giảng, dạy dỗ các quốc gia khác phải noi theo?■

 

Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.