Không thể phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người

Để cản trở Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) chu kỳ II tại Giơ-ne-vơ, một số tổ chức quốc tế và cá nhân vốn có định kiến với Việt Nam vẫn cố tình phủ nhận thành tựu về nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, những cố gắng của họ chỉ là vô vọng.

Đoàn Việt Nam gặp gỡ các đại biểu tham dự phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Tố Uyên – TTXVN

Ngày 05-02-2014, Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Sau 2 ngày trao đổi, đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở với 107 quốc gia về nhân quyền, Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam đã được Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền LHQ thông qua vào chiều 07-02 (giờ Việt Nam) với sự nhất trí cao. Nhiều nước phát triển và đang phát triển đã đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người; đồng thời, ghi nhận sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc chuẩn bị Báo cáo. Thắng lợi này là kết quả tất yếu của những nỗ lực không mệt mỏi mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trong việc bảo đảm quyền con người thời gian qua. Đó chính là sự tiếp nối lô-gic thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ cuối năm 2013; đồng thời, cũng là thực tiễn sinh động làm bẽ mặt những kẻ lâu nay vẫn quen thói “chọc gậy bánh xe”, nhân danh bảo vệ nhân quyền để phá hoại uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Cũng giống như cuối năm ngoái, khi Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ, gần tới ngày Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ II, lại ồn ào một cuộc vận động với sự phối hợp chặt chẽ của một số cơ quan truyền thông, một số tổ chức quốc tế và một số kẻ phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc, nhằm cản trở Việt Nam bảo vệ Báo cáo. Họ tổ chức đón tiếp và lấy thông tin bịa đặt từ một nhóm người có hoạt động chống Nhà nước Việt Nam, để xây dựng các bài viết xuyên tạc tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam; phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nhằm gây sức ép lên Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền LHQ khi thông qua Báo cáo UPR của Việt Nam. Khi không ngăn cản nổi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo UPR, họ lại ra sức xuyên tạc kết quả phiên bảo vệ, thổi phồng những khuyến nghị của các nước thành viên trong quá trình diễn ra hoạt động đối thoại thuộc khuôn khổ của phiên bảo vệ. Nổi lên là hôm 03-02, VOA đã cho đăng thư ngỏ “Hà Nội hãy xé bỏ báo cáo lừa dối UPR để nói lên thực trạng nhân quyền” của Võ Văn Ái – một kẻ chống cộng cực đoan; hay ngày 06-02, đăng bài “Nhân quyền Việt Nam bị chỉ trích tại kỳ kiểm điểm UPR” (Trà My-VOA); ngày 07-02, đăng bài trả lời phỏng vấn Benjamin Ismail – Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) “Việt Nam hãy thôi lừa bịp thế giới về thành tích nhân quyền”… với những nội dung xuyên tạc sự thật. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi. Vượt qua những động thái lăng xăng, huyên náo, không kém phần lố bịch của những kẻ luôn có thái độ định kiến và thù địch với chế độ hiện hành ở Việt Nam, cộng đồng quốc tế vẫn sáng suốt đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi quyền con người. Sự đánh giá cao đó không phải là cảm tính, mà dựa trên sự thẩm định nghiêm túc những nỗ lực của Việt Nam, nhất là việc thực hiện 96/123 khuyến nghị (đạt 78%) của 60 quốc gia từ phiên báo cáo định kỳ UPR lần đầu tiên vào tháng 5-2009.

Những nỗ lực không mệt mỏi đó của Chính phủ và nhân dân Việt Nam được thực hiện một cách toàn diện từ việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, đến việc triển khai rất nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm quyền con người cho nhân dân; trong đó, vừa khẳng định và tôn trọng về phương diện pháp luật, vừa tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện các quyền của mình trong đời sống xã hội. Điểm nổi bật trên lĩnh vực lập pháp những năm qua, phải kể đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (năm 2013). Bản Hiến pháp sửa đổi đã dành hẳn Chương II, với 36 điều để hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; trong đó, hiến định đầy đủ các quyền và tự do của con người về dân sự, chính trị, kinh tế – xã hội và văn hóa theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Điều đó thể hiện bước tiến mới của Việt Nam trong việc nhận thức, phát huy và bảo vệ quyền con người. Cùng với đó, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam cũng bổ sung và ban hành mới 25 đạo luật quan trọng khác, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người; trong đó, đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Luật sư, Luật Người cao tuổi, Luật Người Khuyết tật, Luật phòng, chống Bạo lực gia đình, Luật phòng, chống mua bán người, Luật Báo chí, Luật Xuất bản… Đối với các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam cũng đều chủ động tham gia; trong đó, có những công ước mà Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong việc phê chuẩn, như Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Công ước về Quyền trẻ em (CRC). Gần đây nhất là ngày 07-12-2013, Việt Nam đã chính thức tham gia “Công ước của LHQ về chống tra tấn”, đánh dấu sự hoàn tất của Việt Nam trong việc phê chuẩn tham gia các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, Chính phủ Việt Nam đã cụ thể hóa những quy định của luật pháp bằng việc thực thi nhiều chủ trương, chính sách hướng vào cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, như: phê duyệt và triển khai thực hiện 41 chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội với ưu tiên dành cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hoàn thành sớm 5 trên 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), nhất là thành tựu xóa đói giảm nghèo (với tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% năm 1993 xuống còn 7,8% năm 2013), cũng là vì con người. Ngay trong bối cảnh chịu sự tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia (kể cả những nước kinh tế phát triển) cắt giảm đáng kể phúc lợi xã hội, nhưng trong giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ Việt Nam vẫn giành nguồn lực tới 364.000 tỷ đồng để xóa đói giảm nghèo. Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: ngay cả khi ngân sách khó khăn, nhưng chương trình mục tiêu giảm nghèo vẫn phải bố trí đủ vốn, không cắt giảm, không đình hoãn. Trong thực tế, chẳng những không một chương trình an sinh xã hội nào bị cắt giảm, mà Chính phủ còn chi hơn 1 tỷ USD (trong 2 năm 2011 ‒ 2012) để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn trưa cho trẻ em nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ vẫn dành 2,5 tỷ USD để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, trong đó tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm lo đến cuộc sống của người dân không chỉ dừng lại ở chủ trương mà được thể hiện ra bằng hành động thực tế. Chả thế mà cuối tháng 10-2013, Bà Vích-to-ri-a Qua-qua, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phát biểu rằng: “Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện nay (của Việt Nam) cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập, và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn”.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, 95% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Số tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2006 ‒ 2012, từ 6 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo lên tương ứng là 13 và 33. Số tín đồ các tôn giáo cũng tăng từ 15% lên gần 30% số dân cả nước. Hiện nay, cả nước có gần 100 ngàn chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tôn giáo và tổ chức tôn giáo; gần 300 ngàn cơ sở thờ tự và hơn 50 học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp, hoặc cơ sở đào tạo của các tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo đều được thực hiện tự do theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Hàng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức ở các quy mô khác nhau trên khắp cả nước, tạo nên đời sống văn hóa phong phú, đa dạng.

Về vấn đề tự do báo chí, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Báo chí ở Việt Nam không bị kiểm duyệt và có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Tính đến hết năm 2013, cả nước có 997 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm (so với các con số tương ứng của năm 2009 là 676 và 700); gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; 01 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử, gần 3 triệu người có blog cá nhân. Người dân Việt Nam được tiếp cận với nhiều kênh truyền hình nước ngoài, nhiều hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới, như: CNN, TV5, DW, NHK, KBS, Australia, BBC, VOA, AFP, RFA, v.v. Nói về quyền của người dân được tiếp cận với internet, thì tính đến tháng 12-2013, ở Việt Nam đã có 30,8 triệu người sử dụng (năm 2010 là 26 triệu), chiếm 34% dân số (trung bình của thế giới là 33%), đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 8 tại châu Á (theo xếp hạng vào năm 2012 của Liên minh viễn thông quốc tế ITU). Sự phát triển mạnh mẽ internet ở Việt Nam đã là một thực tế đầy sức thuyết phục để bác bỏ mọi sự vu cáo, xuyên tạc về sự hạn chế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tiếp cận internet của người dân. Liên quan đến vấn đề này, phải nhắc đến Nghị định 72/NĐ-CP mà Chính phủ Việt Nam mới ban hành năm ngoái (có hiệu lực từ 01-7-2013), cũng nhằm để bảo đảm cho người dân được tự do, an toàn hơn khi sử dụng internet. Đó là việc làm phù hợp với xu thế chung mà chính phủ nước nào cũng thực hiện. Mới đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa ban hành Luật kiểm soát internet với một số quy định, như: “Các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải lưu trữ tối thiểu 2 năm tất cả dữ liệu của người dùng và có trách nhiệm cung cấp cho an ninh nếu cần thiết”; “Cơ quan an ninh có quyền chặn bất cứ trang web nào mà không cần phải nhờ tới phán quyết của tòa án”. Trước làn sóng phản đối của cư dân mạng, Thủ tướng nước này, ông Erdogan đã nói rằng: “Luật kiểm soát internet là bảo đảm an toàn cho chính người dân, giúp cho môi trường internet an toàn hơn, tự do hơn. Chúng ta chỉ đặt ra điều luật mà bất cứ đất nước công nghiệp nào cũng đều làm. Bạn hãy sang các nước khác ở khắp châu Âu mà xem, bạn sẽ tìm thấy những bộ luật đúng như vậy. Hay bạn sang Mỹ mà xem, bên đó cũng vậy thôi, luật của nước Mỹ không có gì khác so với của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cần phải nhắc lại rằng, cộng đồng quốc tế còn có những nhận thức rất khác nhau về nhân quyền; và không có một nước nào được xem là hoàn hảo cả. Bên cạnh những giá trị phổ quát, vấn đề nhân quyền luôn mang dấu ấn đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, nên không thể áp đặt tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc gia này, dân tộc này lên quốc gia khác, dân tộc khác. Vì thế, trong khuôn khổ phiên bảo vệ Báo cáo UPR, Việt Nam nhận được những khuyến nghị của các nước khác cũng là bình thường. Với tinh thần thực sự trân trọng, cởi mở với bạn bè quốc tế, Việt Nam lắng nghe tất cả các ý kiến, dù rằng trong đó có những khuyến nghị chưa thật sát với tình hình phát triển thực tế của Việt Nam và chưa tính đến dấu ấn đặc trưng văn hóa trong sự phát triển chung của Việt Nam. Thế nhưng, lợi dụng các khuyến nghị trong khuôn khổ UPR để xuyên tạc kết quả của phiên bảo vệ Báo cáo UPR của Việt Nam, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người những năm qua là hành động không thể chấp nhận được. Điều đáng nói là, bất cứ nước nào thực hiện bảo vệ Báo cáo UPR cũng đều nhận được những khuyến nghị, trong đó có cả những khuyến nghị không thật phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và thực tế của quốc gia bảo vệ Báo cáo. Lần giở lại Báo cáo UPR của Mỹ năm 2010, cũng thấy Hội đồng nhân quyền LHQ phải quan ngại nhiều điều, như: khuyến nghị 30. CERD (Ủy ban giảm thiểu phân biệt chủng tộc) quan ngại về bạo lực quá mức, gây tử vong của quan chức hành pháp đối với nhóm người Mỹ gốc Phi, gốc La-tin, nhóm người nhập cư không giấy tờ , khuyến nghị 34. CAT (Ủy ban chống tra tấn) quan ngại về các hành vi tra tấn hoặc ngược đãi được các quan chức quân sự Mỹ hoặc các quan chức dân sự tại I-rắc và Ap-gha-ni-xtan cam kết, và khuyến nghị Mỹ cần có biện pháp loại bỏ mọi hành vi tra tấn và ngược đãi đối với tù nhân của các quan chức quân sự và dân sự ở các nước nằm trong quyền xét xử và điều tra sâu rộng các hành vi đó, khuyến nghị 54. Ủy ban nhân quyền quan ngại Mỹ đã và vẫn đang giám sát truyền thông tư nhân cả trong và ngoài nước mà không có sự kiểm soát độc lập hoặc có tính pháp quy nào, v.v. Vẫn tự coi mình là nước dân chủ nhất, nhưng nước Mỹ lại có quá nhiều vấn đề nhức nhối về nhân quyền như thế. Vậy, họ có xứng là người thường rao rảng về nhân quyền hay không?

Nhìn lại những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, có thể khẳng định rằng, đó là những thành tựu to lớn, không thể phủ nhận được. Những “phát biểu”, “điều trần” của cá nhân này, tổ chức nọ nhằm bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam chỉ là những tiếng nói lạc lõng, xa lạ với dòng chủ lưu của cộng đồng quốc tế. Nó đã, đang và tiếp tục bị cộng đồng quốc tế vạch trần, lên án./.

  NGUYỄN NGỌC

Categories: Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.